Tăng giờ làm thêm là đi ngược xu hướng tiến bộ

23/11/2011 00:40 GMT+7

Thảo luận về dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội trường sáng qua (22.11), nhiều ý kiến phản đối khá gay gắt xung quanh việc tăng giờ làm thêm mà dự luật đưa ra.

Thảo luận về dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội trường sáng qua (22.11), nhiều ý kiến phản đối khá gay gắt xung quanh việc tăng giờ làm thêm mà dự luật đưa ra.

 

Ông Đặng Ngọc Tùng - ảnh: Ngọc Thắng

Công nhân chỉ được nghỉ 7 ngày/năm

Bà Cù Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu: "Nếu chúng ta quyết định tăng lên 360 giờ/năm thì công nhân chỉ được nghỉ 7 ngày/năm. Họ có thời gian đâu để chăm sóc con cái, tham gia sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch hoặc học hành? Tại sao NLĐ chân tay phải làm việc tăng lên nhiều như vậy so với NLĐ trí óc? Một người được nghỉ 104 ngày, trong khi có người chỉ 7 ngày/năm? Do đó, tôi đề nghị chỉ giữ lại theo quy định của bộ luật cũ là làm thêm tối đa 200 giờ".

Dự thảo bộ luật Lao động giữ nguyên số giờ làm việc 48 giờ/tuần nhưng tăng số giờ làm thêm tối đa từ 200 giờ/năm lên 360 giờ/năm.

ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) và ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đồng thuận với đề nghị tăng thêm giờ theo như dự thảo. ĐB Hoàn dẫn chứng: theo khảo sát của ngành lao động, cho thấy hiện nay các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN dệt, may, các DN chế biến nông sản phẩm, đã tổ chức làm thêm 300-700 giờ/năm và làm thêm cũng là nhu cầu của người lao động (NLĐ) vì hiện nay lương rất thấp, cộng vào đó các điều kiện sinh hoạt như nhà ở, điện nước rất khó khăn trong các khu nhà trọ. 

Không ai muốn làm thêm

ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thì không đồng tình với nhận định rằng NLĐ muốn làm thêm, mà vì tiền lương quá thấp, công nhân phải thuê nhà ở, thuê phương tiện đi lại và không có điều kiện vui chơi giải trí, do vậy NLĐ đã phải tình nguyện làm thêm để có thêm một bữa cơm và có thêm thu nhập. “Sai lầm ở chỗ chúng ta xây dựng tiền lương tối thiểu quá thấp. Người sử dụng lao động căn cứ vào đó để xây dựng đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm rất thấp, do đó NLĐ làm việc cật lực mà cũng chỉ hơn tiền lương tối thiểu một chút”, bà Hậu nói.

ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: “NLĐ nào cũng có mong muốn khát khao chăm sóc gia đình, không một NLĐ nào muốn làm thêm giờ. Vì lương của chúng ta quá thấp, làm không đủ sống, cho nên buộc phải chấp nhận việc làm tăng giờ, tăng ca”. Ông Tùng quyết liệt: Không có lý do nào cán bộ, công chức làm việc 40 giờ còn NLĐ khác làm việc 48 giờ, cái này bất công. Tôi đề nghị nên sửa luật Lao động lại, một tuần NLĐ làm việc 44 giờ, nghĩa là NLĐ được nghỉ chiều thứ bảy. Nếu không giảm xuống thì nên giữ như hiện tại, không nên vì lợi ích của những người sử dụng lao động. “Tăng ca, tăng giờ như vậy tại sao không tuyển thêm lao động?”, ông Tùng đặt vấn đề.

Nhận định tăng thời gian làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ, là sự thụt lùi của việc sửa đổi bộ luật Lao động lần này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu: Theo quy luật, khi trình độ công nghệ cao, khoa học và trình độ sản xuất phát triển, tiến bộ thì thời gian làm việc sẽ phải giảm xuống để đảm bảo điều kiện làm việc và sức khỏe, đời sống cho NLĐ. Tai nạn lao động gia tăng trong những năm gần đây, trong đó có nguyên nhân làm thêm giờ quá nhiều khiến NLĐ mệt mỏi, suy giảm về tinh thần, thao tác thiếu chính xác...

Hôm nay, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Hai vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn đầu tiên là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại QH sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và kênh VOV1. Trước khi bắt đầu nội dung chất vấn, Trưởng ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) Nguyễn Đức Hiền sẽ trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Theo nội dung Ủy ban TVQH đề xuất nhận được thống nhất cao của các đại biểu QH, Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ trả lời chất vấn về các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc tại các thành phố lớn; biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và giải quyết tình trạng xuống cấp của công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn từ ngân sách nhà nước. Về nội dung này, các bộ trưởng Công an, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Sau đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ giải trình về các vấn đề như việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn...; giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha...

Theo nghị trình, ngày 24.11, QH sẽ chất vấn các Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào sáng 25.11.

Nguyệt Minh

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.