Tang thương bão Chanchu: Những mảnh đời góa bụa

26/05/2006 22:41 GMT+7

Đằng sau con số hàng trăm ngư dân bị chết và mất tích là hàng trăm mảnh đời của những người phụ nữ trong phút chốc đã trở thành góa phụ. Nỗi đau và sự mất mát quá lớn đè nặng đôi vai của những người vợ, người mẹ... khiến họ dường như không còn sức để gượng dậy.

Tin anh Lê Việt đi biển không về đã làm không ít người quen sững sờ. Có ai ngờ chuyến đi biển lần đầu tiên sau 7 năm lên bờ mưu sinh bằng nghề thợ điện đã khiến vợ chồng anh âm dương cách biệt. Sáu năm sau ngày lấy vợ, đây là lần đầu tiên anh quyết định xa vợ con để mưu sinh trên biển. Vợ anh thẫn thờ kể lại rằng, quyết định đi biển đợt này của anh cũng vì sốt ruột giá vàng lên nhanh trong khi căn nhà thuộc diện tái định cư của gia đình anh đang phải nợ Nhà nước 57 chỉ vàng tiền mua đất lúc trước. Thêm vào đó, đứa em gái út tháng 9 này lấy chồng mà trong gia đình chỉ có anh là người đứng ra quán xuyến mọi việc vì người anh rể đã không may qua đời sớm, anh ruột lại bị tật, không được bình thường về mặt tâm lý. Em gái anh, chị Tuyết Nga cứ rấm rứt khóc mãi: "Phải chi anh đừng vì em mà đi biển trở lại thì đâu có ra nông nỗi này! Anh bảo em lấy chồng, anh không cho gì được nhiều nhưng cũng cố kiếm ít tiền mua một bộ bàn ghế cho đàng hoàng để tiếp khách ngày cưới. Em không cần gì cả, chỉ cần có anh trai thôi".

Chiều 26/5 tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng), Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thay mặt Đảng, Nhà nước đã đến động viên, thăm hỏi và chia buồn với các gia đình có người thân bị tử nạn trong cơn bão vừa qua. Trước đó, sáng 26/5, Phó chủ tịch nước cũng đã đến hai xã Bình Hải, Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chia buồn với các gia đình có người thân bị tử nạn và trao quà cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó có gia đình ông Võ Quang ở xã Bình Minh cả 3 cha con và 1 rể bị chết, mất tích, nhưng chỉ mới tìm được xác ông Quang. Phó chủ tịch Trương Mỹ Hoa yêu cầu các địa phương khẩn trương trợ giúp một cách tốt nhất cho thân nhân người bị nạn...

Nguồn tin từ Văn phòng Thường trực chống lụt bão miền Trung chiều ngày 26/5 cho biết, tính đến thời điểm này có 18 tàu thuyền của ngư dân miền Trung bị chìm và mất liên lạc (Đà Nẵng 10 tàu, Quảng Ngãi 5 tàu, Quảng Nam 2 tàu và Bình Định 1 tàu) với 322 thuyền viên, nhưng chỉ cứu sống được 53 người, 19 người tử vong và 151 người bị mất tích. Quảng Nam là địa phương có số người chết và mất tích nhiều nhất (160 người), tập trung chủ yếu ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Theo UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng), sáng 26/5 thêm một nạn nhân bị tử nạn ngoài khơi đã được gia đình nhận dạng qua dấu vân tay là anh Nguyễn Văn Sang ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Anh Sang là thuyền viên đầu tiên trong số 24 thuyền viên ở quận Liên Chiểu mất tích đã tìm được xác. (Hữu Trà)

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Minh, vợ anh đã không còn nước mắt. Với người vợ trẻ mới tròn 24 tuổi, cuộc sống hạnh phúc vợ chồng sao quá đỗi ngắn ngủi! Ai đến nhà thắp hương anh cũng thở dài: "Tội nghiệp, vợ nó còn trẻ quá!". Đứa con trai, tài sản duy nhất anh để lại chỉ mới tròn 3 tuổi. Lúc đem thi thể anh về, mỗi khi mẹ bồng, nó chỉ ra ngoài con sông Phú Lộc ngay trước mặt nhà - nơi anh chia tay mẹ con nó xuống thúng bơi ra tàu ở cửa biển mà bập bẹ: "Ba Win ở dưới sông rồi, ba Win chưa về!". Từ khi thấy mẹ nó mặc áo tang, mọi người bắt nó lạy, thắp hương trước quan tài ba, tâm hồn trẻ thơ non nớt của nó cũng chỉ biết "Họ nhốt ba trong tủ rồi!". Chị Minh lòng đau như xát muối vào ruột mỗi lần nghe con nhìn di ảnh của ba nó trên bàn thờ, nằng nặc đòi mời ba xuống ăn cơm. Hai mươi bốn tuổi, cái lứa tuổi mà những cô gái khác quàng trên đầu chiếc khăn đóng dành cho cô dâu, một sự khởi đầu của cuộc sống lứa đôi thì với chị Minh vòng khăn xô trắng toát, lạnh lẽo chị quàng trên đầu vô tình như một con số không màu trắng. Ngày đưa tang anh, chị ngất lên ngất xuống. Không ai cầm lòng được trước tiếng khóc thảm thiết, vật vã của người vợ trẻ.

Còn chị Hồ Thị Hoa, vợ của ngư dân mất tích Trần Văn Xoài sau nhiều lần ra bờ biển thắp hương khấn vái chờ tin chồng, lủi thủi trở về trong vô vọng. Chúng tôi thắp nén hương cho anh Xoài trong tiếng nấc của người vợ trẻ. Có nỗi đau nào hơn khi chị Hoa một lần mất đi 3 người đàn ông thân thuộc: chồng và 2 người anh trai ruột. Đã có lúc chị gần như điên loạn khi đón nhận liên tiếp những tin dữ. Cũng như những người vợ ngư dân khác, chị chỉ biết làm người vợ hiền lo con cái, chờ chồng đi làm kiếm tiền về nuôi mấy mẹ con. Ba đứa con, đứa lớn nhất mới 9 tuổi đầu, thằng cu nhỏ mới 10 tháng đã trở nên quá nặng trên đôi vai chỉ còn da bọc xương của người vợ trẻ. Nỗi đau nhói buốt cứ khoét sâu dần khi tia hy vọng cuối cùng về xác của chồng, của anh cũng chìm trong nỗi tuyệt vọng. Trong phút chốc, chị cùng hai chị dâu của mình đã trở thành những người góa phụ trẻ.


Chờ người thân trở về (ảnh: H.T)


Nỗi đau của người vợ chờ chồng (ảnh: V.P.T)

Chị Nguyễn Thị Thu Sang, vợ  thuyền viên Lê Đình Sơn thì chỉ mới lên xe hoa về nhà chồng chừng hai tháng. Hai tháng làm vợ ngắn ngủi ấy vợ chồng chị chỉ được ở bên nhau vỏn vẹn hơn 10 ngày. Chị như chết đi sống lại khi biết tin chồng và cha chồng mất tích trong cơn bão. Và xót xa hơn khi đứa con mới hình thành trong bụng mẹ mà anh chưa biết là gái hay trai sẽ chẳng bao giờ biết mặt cha. Một sự thật quá đỗi nghiệt ngã! Mấy ngày nay, nghe lời mẹ ruột khuyên nhủ, chị Sang đã chịu nằm được một chỗ, không còn đòi ra biển như mấy hôm trước, bởi chị phải giữ gìn và nuôi nấng giọt máu duy nhất mà anh để lại ở cuộc đời này. Còn bà Phạm Thị Thí, con gái người anh hùng mà người dân Đà Nẵng vẫn gọi là Mẹ Nhu cứ lắc đầu: "Chỉ vì còn nợ 1 triệu đồng mà ông ấy quyết định đi thêm chuyến này để trả nợ. Giờ thì ông ấy cũng chẳng về với tui nữa rồi".

Trong nỗi đau chung của những người phụ nữ có người đàn ông yêu quý của mình bị nạn, có những nỗi đau không thể thốt lên thành lời. Trong chuyến đi biển định mệnh lần này, không ít những đám cưới đã được chuẩn bị sẵn để chờ người đàn ông trở về. Và ai oán hơn khi những chàng trai đã "kịp" gửi lại cho mình giọt máu trên cõi đời này dù đến bây giờ nó vẫn còn chưa được thừa nhận.

Đến bây giờ, con số những ngư dân bị chết và mất tích vẫn chưa được xác định một cách chính thức, nhưng cũng đã có đến hàng trăm người đàn ông chưa trở về. Và mỗi ngày lại qua, những mảnh đời góa bụa cứ như kéo dài thêm ra...

Vũ Phương Thảo

Ngay sau khi Thanh Niên nêu vấn đề việc học của các em học sinh là con em các ngư dân chết và mất tích trong cơn bão Chanchu, ngày 26/5, cô Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung cấp Công - Kỹ nghệ Đông Á Đà Nẵng (có phân hiệu tại tỉnh Quảng Nam) đã gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho phép bổ  sung chỉ tiêu để đào tạo miễn phí hệ trung cấp kỹ thuật cho các em này từ năm học sắp tới. Cô Đào cho Thanh Niên biết, các em học sinh thuộc thành phần trên nếu tốt nghiệp THPT (lớp 12) sẽ được đào tạo trong 2 năm, các em tốt nghiệp PTCS (lớp 9) được đào tạo trong 4 năm và được miễn hoàn toàn học phí - dự kiến 4 triệu đồng cho chương trình 2 năm và 8 triệu cho chương trình 4 năm. Khi được Bộ GD-ĐT đồng ý bổ sung chỉ tiêu, các em học sinh nói trên có thể liên hệ làm thủ tục tại các cơ sở của Trường Đông Á tại địa chỉ:  204B Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và 54 Hùng Vương, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo của UBND huyện Thăng Bình ngày 26/5, trong tổng số 152 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 lâm vào hoàn cảnh mồ côi sau trận bão Chanchu tại 2 xã Bình Minh và Bình Hải, có 9 em sẽ được đặc cách tốt nghiệp PTCS và 6 em được đặc cách tốt nghiệp THPT niên khóa 2005-2006. Tại TP Đà Nẵng, thống kê chưa đầy đủ, trong số gần 100 học sinh có hoàn cảnh tương tự, có trên 10 em lớp 9 và 2 em lớp 12.

Ngoài việc Thanh Niên hỗ trợ toàn bộ chi phí cho các em đi thi đại học, cao đẳng, đề nghị của Trường trung cấp Công - Kỹ nghệ Đông Á Đà Nẵng là rất thiết thực. Đề nghị Bộ GD-ĐT chấp thuận đề nghị của nhà trường để tạo điều kiện cho các em học sinh con ngư dân (đa số gia đình rất khó khăn) được đào tạo nghề để sau này có việc làm giúp đỡ gia đình. Báo Thanh Niên hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với các đơn vị hảo tâm xây dựng nguồn quỹ làm học bổng cho các em trong diện này, quỹ sẽ giúp các em có thêm tiền để chi phí trong sinh hoạt, học tập.

T.Đ.T - T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.