Tăng trưởng thật hay nhờ bán tài sản?

14/08/2009 00:07 GMT+7

* Hôm nay 14.8, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn tại UBTVQH Hôm qua 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước.

Băn khoăn về bản chất tăng trưởng

Số liệu của đoàn giám sát cho thấy, các TĐ, TCT làm ăn ngày càng hiệu quả. Số TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao ngày càng tăng. Năm 2006 có 6 TCT lỗ, 5 TĐ và 18 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn trên 15%. Đến năm 2008, số TCT hoạt động bị lỗ giảm xuống còn 3 đơn vị, có  3 TĐ và 32 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 15%.

Năm 2007, tổng số lỗ lũy kế của 24 TĐ và TCT lên tới trên 4.000 tỉ đồng. Đến năm 2008, lỗ lũy kế đã được cải thiện với tổng số gần 2.800 tỉ đồng của 23 TCT. Ủy viên UBTVQH, Trưởng đoàn giám sát Hà Văn Hiền nhận xét: “Vốn đầu tư của Nhà nước vào các TĐ, TCT được bảo toàn và phát triển, đa số các TĐ, TCT hoạt động đều có lãi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính  - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của các TĐ, TCT trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra trên thực tế một số TĐ được thành lập, đơn giản chỉ là phép cộng chứ chưa đi sâu vào thực chất bên trong, chưa tạo ra được một sức mạnh để thay đổi trình độ quản lý. Ông Hiển đặt vấn đề: “Phải làm rõ xem bản chất tăng trưởng của các TĐ, TCT là gì. Tăng trưởng có phải xuất phát từ hiệu quả của sản xuất kinh doanh, hay là tăng trưởng được là do bán tài sản của Nhà nước?”.

Doanh nghiệp lỗ liên miên, sao TGĐ vẫn tại vị?

Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng cảnh báo đừng để xảy ra tình trạng chúng ta giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật nhưng lại không biết người ta vi phạm pháp luật. Theo ông Vượng, một số TĐ, TCT sử dụng đất không đúng mục đích, dưới danh nghĩa là góp đất thành lập liên doanh nhưng thực chất là cho thuê đất. “Giám sát phải phát hiện ra những trường hợp thế là vi phạm quy định gì, gây ra hậu quả như thế nào?”, ông Vượng nhấn mạnh và nêu ví dụ: “Về đầu tư ra ngoài ngành thì phải xem xem trong giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có ghi những lĩnh vực gì mà họ được phép kinh doanh, nếu không có mà anh vẫn làm thì không phải là xa rời mà là làm sai quy định”.

Một vấn đề khác được ông Trần Thế Vượng đặt ra là việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo TĐ, TCT nếu để đơn vị thua lỗ. “Mấy doanh nghiệp lỗ năm sau cao hơn năm trước, đã thay thế lãnh đạo chưa, nếu không thay thì sẽ mất hết vốn. Nếu chưa thay thế thì vì sao?”, ông Vượng nói. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình hưởng ứng: “Đã có quy định, nếu để doanh nghiệp lỗ hai năm liền thì cách chức tổng giám đốc (TGĐ), nhưng vì sao chưa thấy ai bị cách chức?”.

Trong lĩnh vực quản lý vốn nhà nước tại các TĐ, TCT, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cơ chế quản lý chưa rõ ràng, còn mơ hồ lúng túng. Ông Thuận đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa HĐQT và TGĐ của các TĐ, TCT, vì TGĐ và các thành viên HĐQT đều do Thủ tướng bổ nhiệm. Theo ông Thuận, HĐQT chỉ cần thiết khi thực hiện cơ chế thuê TGĐ. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị đoàn giám sát phải làm rõ được trách nhiệm trong việc quản lý vốn của Nhà nước tại các TĐ, TCT.

Có lãi thực nhờ hướng đi mới

Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy hiệu quả hoạt động của một số TCT trong ngành giao thông rất thấp. Đến năm 2008, một số TCT có số lỗ lũy kế khoảng 100 tỉ đồng, thậm chí có đơn vị lỗ lũy kế lên tới gần 200 tỉ đồng.

Tuy nhiên cũng có những TCT đã tìm được hướng đi mới, giảm dần được số lỗ lũy kế trước đây. Ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH, cho biết năm 2005 TCT xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đứng trước bờ vực phá sản, với số lỗ lũy kế lên tới 365 tỉ đồng, nhưng đến nay Cienco 5 đã có bước tiến khá lớn về chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhờ hiệu quả của việc tái cơ cấu lại doanh nghiệp và thay đổi phương thức điều hành quản trị theo hướng hiện đại. Theo ông Nhã, ba năm gần đây, năm nào Cienco 5 cũng có lãi. Đầu năm 2006, số lỗ lũy kế còn lại là 277 tỉ, đến cuối năm 2007 còn 102 tỉ đồng. Hết năm 2008, Cienco 5 đã cơ bản xử lý được hết số lỗ lũy kế và có lãi thực. Cienco 5 được xếp vào danh sách "TOP 10" tập đoàn, TCT có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong số các DNNN; bình quân tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của TCT này trong 3 năm gần đây đạt khoảng 26%. (X.Toàn)

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.