Nhìn chung, 5 năm qua, đời sống của các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đang trong tiến trình đô thị hóa, nên đời sống của người dân tại nhiều địa phương đã và đang bị xáo trộn nhất định, một bộ phận dân cư phải di dời sang một nơi ở khác. Có lẽ, đã đến lúc, chúng ta nên nhìn lại, đánh giá một cách khái quát hơn về các chương trình, chính sách tái định cư. Bởi, có an cư thì dân mới lạc nghiệp được.
Mô hình hay ở quận 8
Thạc sĩ Lê Văn Thành nói, qua một số công trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chương trình tái định cư ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp chính quyền đã cố gắng, áp dụng theo những chính sách của T.Ư có nhiều thay đổi, rồi từ thực tiễn của từng địa phương cũng bổ sung thêm những mức hỗ trợ cho người dân. Đứng về mặt chính sách mà nói thì chính sách tái định cư ngày càng được hoàn thiện. Tại TP.HCM bắt đầu xuất hiện một số mô hình tái định cư theo hướng xã hội hóa được thực hiện khá tốt, điển hình như dự án rạch Ụ Cây (Q.8). Qua dự án này cho thấy chúng ta có thể giải quyết tốt tái định cư cho dân nếu được quan tâm đúng mức và đặt quyền lợi của dân lên trên hết. Điều này cần được khẳng định và nhân rộng.
Thạc sĩ Lê Văn Thành |
Mô hình ở Q.8 hay ở chỗ, người dân đồng tình cao với Nhà nước về giải tỏa, di dời, do được lựa chọn nhiều phương án tái định cư. Dù có lựa chọn tái định cư nơi đâu, theo phương án nào thì nơi ở mới đều tốt hơn nhiều, khang trang hơn nhiều so với nơi ở cũ.
Từ mô hình tái định cư ở Q.8, thiết nghĩ cần được tổng kết để có thể nhân rộng ra các dự án khác trên địa bàn TP và cả nước.
Việc làm cho người tái định cư
Liên quan đến tái định cư, qua các cuộc điều tra, chúng tôi nhận thấy việc làm là mối quan tâm hàng đầu của người dân bị giải tỏa. Khi người dân bị thay đổi chỗ ở, thay đổi môi trường sống, nhiều người còn thay đổi cả môi trường làm việc thì rõ ràng, họ sẽ ít nhiều gặp khó khăn. Đa số hiện nay vẫn chưa thay đổi được một cách căn bản công việc của họ. Họ vẫn đang loay hoay tìm cách bám víu vào những công việc cũ, nếu không quay trở lại những nơi ở cũ hoặc làm một việc gì đó mang tính tạm bợ để sinh sống. Chính quyền có cho vay vốn, hoặc ở TP.HCM có quỹ 156 nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm giúp các hộ tái định cư ổn định cuộc sống... Tuy nhiên, mức cho vay không nhiều lắm, nó giúp cho họ chuyển sang nghề khác cũng mang tính chất tạm bợ khó tạo được một nghề mới, việc làm mới.
Các nhà kinh tế lao động tính một suất đầu tư cho việc làm mới trong các nhà máy, xí nghiệp bình quân 100 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa. Trong khi với mức hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng/người/hộ như hiện nay không giải quyết được vấn đề cơ bản, khó giúp họ ổn định cuộc sống. Do đó, giải quyết việc làm cho các hộ tái định cư vốn đa phần là các hộ nghèo, hoặc cận nghèo cần phải được gắn vào sự chuyển dịch cơ cấu việc làm theo cơ cấu kinh tế mới của các đô thị.
Một vấn đề cũng được người dân giải tỏa quan tâm hàng đầu là bồi thường để giải phóng mặt bằng. Gần đây, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ, nâng giá bồi thường sát giá thị trường, thậm chí có nơi khá cao. Cụ thể là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân được hỗ trợ khá cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý, Thủ Thiêm là một trường hợp đặc biệt, còn khi bồi thường đại trà tại các dự án khác, thì giá bồi thường cần nên xem xét, tính toán kỹ một cách công bằng, tránh để người dân giải tỏa tại các dự án khác so bì.
Ngoài ra, chính quyền cần quan tâm hơn việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho các đối tượng được quy định theo Luật Nhà ở và người thu nhập thấp. Dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng, song thực tế, ở các địa phương việc triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội vẫn triển khai khá chậm. Nguyên nhân không phải ở khâu chính sách vì đã có tương đối đầy đủ, nhưng hiện nay nhiều chủ dự án vẫn than vướng đầu ra, chính quyền chưa bảo đảm mua lại sản phẩm sau khi hoàn thành. Do vậy, Nhà nước cần để các chủ đầu tư thấy rằng, khi tham gia những dự án này thì họ được hưởng lợi về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm được đầu ra để họ yên tâm đầu tư, xây dựng.
Nhà nước cần tạo một quỹ nhà để những người có nhu cầu về nhà ở có thể lựa chọn mua, thuê ở, đảm bảo nhu cầu về chỗ ở cho người dân.
Ngoài nhà ở, việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện an sinh xã hội là những mục tiêu quan trọng để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, vốn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung của đất nước thì các vấn đề trên càng trở nên bức thiết.
Minh Nam (ghi)
Bình luận (0)