Tết độc lập ở miền Tây

01/09/2010 14:12 GMT+7

Vào ngày 2-9-1945, không được tận mắt nhìn Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập thì người dân miền Tây Nam bộ cùng lắng nghe lời Bác qua sóng phát thanh để hòa cùng niềm vui chung với ngày tết độc lập của đất nước.

Ông Trần Minh Sơn, cựu thành viên lực lượng Thanh niên tiền phong Cần Thơ, nhớ lại: “Ngày 25-8, Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ, gồm các ông Trần Ngọc Quế, Trần Văn Khéo, Trần Văn Hoài..., quyết định giành chính quyền ở thị xã Cần Thơ vào ngày 26-8-1945. Lúc đó tôi được 19 tuổi, cũng có mặt trong đoàn biểu tình...”.

“Việt Nam độc lập...”

Sáng sớm 26-8, khoảng 20.000 người trong thị xã Cần Thơ và các quận Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn... xếp thành từng đoàn kéo về sân banh Cần Thơ (nay là hội trường tỉnh ủy). Trước lễ đài treo tấm băngrôn lớn: “Chính quyền về tay nhân dân! Nước Việt Nam độc lập muôn năm”.

Trên lễ đài, ông Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng đọc lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào hãy một lòng đoàn kết giành lấy chính quyền. Cuộc mittinh kết thúc trong tiếng hoan hô vang dậy. Sau đó, quần chúng được tổ chức thành từng khối, có lực lượng tự vệ vũ trang và “xung phong đội” hỗ trợ xuống đường biểu tình kéo đi khắp thị xã Cần Thơ. Đi đến đâu đoàn biểu tình cũng hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chế độ bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”...

Khi đó, tại thị xã Cần Thơ còn khoảng 300 lính Nhật. Toàn bộ lính Pháp đã bị quân Nhật bắt giữ. Trước khí thế hừng hực của đoàn biểu tình, lính Nhật cũng không dám đối đầu, co cụm về đóng quân ở Collège de Can Tho (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm). Còn tỉnh trưởng Lưu Văn Tào buộc phải tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn, giao chính quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng.

Những ngày sau đó ông Sơn cùng bạn bè tham gia lực lượng Thanh niên cứu quốc ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Ông được huyện ủy giao nhiệm vụ: tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia kháng chiến, xây dựng đội du kích... Trong lực lượng có một người tên Trà có radio, nghe tin báo trên sóng phát thanh, ông này hớn hở thông tin cho tất cả mọi người cùng biết Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập đúng vào ngày 2-9. Mọi người háo hức, nôn nao chờ đợi...

Giây phút lịch sử

Tin Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập nhanh chóng lan khắp nơi khiến người dân miền Tây Nam bộ vô cùng náo nức. Thời điểm đó rất ít nhà có radio. Vì thế, nhà nào có radio đều rất đông người tập trung đến nghe. Rồi người này báo tin cho người kia, hầu hết người dân đều biết được tin vui này.

Ngày 2-9-1945, những đồng đội của ông Sơn cùng tụ tập tại nhà ông Trà để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Thời lượng được phát lại trên sóng phát thanh chỉ khoảng 15-20 phút. “Giọng đọc của Người rất trầm ấm, đầy hào khí vang lên khi trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập.

Giữa lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” khiến chúng tôi xúc động đến trào nước mắt trước sự giản dị, gần gũi của một vị lãnh tụ vĩ đại. Tôi nhớ nhất là khi Bác đọc đoạn cuối: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Một cảm giác nóng ran rạo rực đầy phấn khích lan tỏa khắp tất cả chúng tôi, và không hẹn mà cùng siết chặt tay nhau nghe vang vang bên tai hai chữ “xin thề” của hàng triệu người”, ông Sơn kể.

Nhiều cuộc mittinh mừng ngày Quốc khánh diễn ra. Mọi người ôm nhau mừng rơi nước mắt, lòng ai cũng bừng lên một niềm tin, sự xúc động, sung sướng không diễn tả được trước vận hội mới của đất nước. Cũng ngay sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ kêu gọi thanh niên tòng quân bảo vệ tỉnh nhà, giữ gìn đất nước.

Những cựu thành viên của lực lượng Thanh niên tiền phong tâm sự: “Lúc đó chúng tôi trong đội tuyên truyền, vận động người dân tham gia kháng chiến tùy theo sức của mình. Nhờ người dân được nghe bản Tuyên ngôn độc lập nên việc vận động, tuyên truyền rất thuận lợi”. Thanh niên trai tráng gia nhập hàng ngũ cứu quốc ngày càng đông, có đến bốn đại đội cộng hòa vệ binh được thành lập. Rồi lời kêu gọi của Bác về “bình dân học vụ”, “tuần lễ vàng”, “ngày đồng tâm”... đều được nhân dân miền Tây Nam bộ nhiệt liệt hưởng ứng.

Ông Sơn và những đồng đội cũ của ông nói đến nay, sau 65 năm, đã nhiều lần được nghe lại lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Nhưng mỗi lần nghe lại là tâm trạng mỗi khác và cái cảm giác bừng bừng niềm tin, trào dâng xúc động vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.