Tết về nơi “xóm hiếm muộn"

22/01/2012 19:31 GMT+7

(TNO) Nằm rải rác trong các con hẻm trên đường Cống Quỳnh, trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM), “xóm hiếm muộn" là nơi những cặp vợ chồng khó sinh con từ khắp nơi về trọ chờ đợi ngày được làm cha, làm mẹ…

Niềm vui

Tết này nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đón tết xa nhà vì sự an toàn cho phôi thai và chờ mong đứa con ra đời sau những tháng ngày mong mỏi, hy vọng…

Tôi đến “xóm” lúc những cặp vợ chồng đang chuẩn bị bữa cơm tất niên.

Những bà vợ phải đi lại nhẹ nhàng, không được làm việc nặng nên mọi việc đều đến tay các ông chồng.

Bữa cơm được bày ra trong không khí thân mật và ấm áp như một gia đình. 


Anh Hồng đang sửa soạn lại góc bếp ngày cuối năm. Ở "xóm hiếm muộn", các ông chồng đều rất đảm đang chăm lo cho vợ

Vừa gắp cho vợ đầy thức ăn vào chén, anh Hồng (39 tuổi, quê Nghệ An) vừa dỗ vợ là chị Dương (37 tuổi): “Em gắng ăn nhiều để năm Thìn này sinh cho anh đứa con khỏe mạnh nhé”.

Anh chị là cặp vợ chồng may mắn nhất trong “xóm hiếm muộn" này vì vừa vào đây được 2 tháng, đi cấy phôi là đã nhận được tin vui.

Sống với nhau gần chục năm, chị Nhàn (35 tuổi, quê Quảng Ninh) và chồng là anh Điệp (38 tuổi) vẫn chưa thể có con.

Tích lũy được ít tiền anh chị bàn nhau vào TP.HCM thụ tinh trong ống nghiệm. 


Các ông chồng cũng tranh thủ "tiệc tùng" nhân dịp tất niên

“Đối với chúng tôi, việc có được đứa con thật gian nan. Vợ chồng tôi phải chật vật để xoay xở cuộc sống ở đây với đủ thứ chi phí ăn uống, sinh hoạt, phòng ốc… Đôi lúc tưởng đậu thai ai dè lại bị sẩy. Rồi vợ chồng tôi lại tiếp tục hy vọng”, chị Nhàn tâm sự.

Ngày biết cấy phôi đã thành công anh chị ôm nhau khóc. Theo dự tính, tháng 6 năm Nhâm Thìn này chị sẽ sinh con.

Đối với anh chị, niềm vui sắp được chào đón em bé khiến họ xua tan nỗi buồn ăn tết xa nhà.

“Có thai phải đi lại nhẹ nhàng, thậm chí chỉ nằm một chỗ. Mọi công việc đều đến tay anh Điệp làm. Vì thế, nhà ở xa chúng tôi nào dám về để đảm bảo sự khỏe mạnh cho con. Năm sau, sinh con xong sẽ được sum họp tết với họ hàng nội ngoại”, chị Nhàn nói, ánh mắt lung linh niềm vui.

Lo hết mọi công việc từ giặt giũ, đi chợ, cơm nước cho vợ, anh Điệp còn sắm tết đâu vào đó với bánh chưng và hoa quả để kịp cúng tất niên. Năm mới này, gia đình nhỏ của anh sẽ có thêm thành viên sau bao năm vợ chồng anh thấp thỏm hy vọng.

Hy vọng

Nhưng không phải cặp vợ chồng nào ở đây cũng có được niềm vui sắp đón con chào đời.

Tết này là cái tết thứ 3 vợ chồng chị Như (49 tuổi) và anh Hùng (52 tuổi) đón tết ở TP.HCM. Tuổi đã nhiều nên niềm mong ước có đứa con lại càng cháy bỏng hơn đối với hai anh chị.

Thời còn trẻ gia đình khó khăn, tiền chắt chiu của hai vợ chồng chưa đủ đưa chị đi vào đây chữa hiếm muộn. Gắng bảo nhau làm lụng, đến năm 2009 hai vợ chồng quyết định vào Bệnh viện Từ Dũ chữa trị. 


Bữa ăn tất niên ấm áp tại “xóm hiếm muộn”

Nhưng sau nhiều lần cấy phôi chị vẫn bị ra máu nên việc có con vẫn chưa thể thành hiện thực dù đã tốn hơn 100 triệu đồng.

Những ngày cận tết này chị vẫn chưa thể đậu thai nhưng nhìn “hàng xóm” mang bầu, vui mừng vì sắp được làm mẹ, chị cũng vui lây.

“Thôi thì tiếp tục nuôi hy vọng, tết này ở lại đây, ra năm sang bệnh viện sớm cấy phôi lại. Tôi nhiều tuổi rồi nên mong sao năm mới có được hạnh phúc như bao bà mẹ khác. Nhìn cảnh vợ chồng người ta tay bồng tay bế mình thấy tủi thân, thương chồng nên càng quyết tâm, dù tốn bao nhiêu, chờ đợi lâu hơn cũng phải sinh được đứa con”, chị Như nói.  

Bài, ảnh: Hà Minh

>> “Tăng chất lượng tinh trùng và khả năng thụ thai”
>> Cho đi giọt máu
>> Lỡ dính bầu, nhiều nữ sinh rao cho con trên mạng
>> Thức ăn nhanh có thể gây hiếm muộn
>> Canada cảnh báo về tinh trùng “tươi”
>> Rối loạn sau sinh
>> Tính cách “định hình” sức khỏe
>> Cha bán con, mẹ mang tiền đi chuộc
>> Hiếm muộn do không có tinh trùng
>> Thêm tin vui cho người hiếm muộn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.