Thảm họa từ lũ quét ở Nha Trang: Trả giá cho việc thả nổi

24/11/2018 08:00 GMT+7

Trận lũ quét hôm 18.11, người dân tại các khu dân cư ở lưng chừng các ngọn núi trong TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đã phải trả giá bằng 20 mạng người và hàng chục ngôi nhà bị vùi trong bùn đất.

Trận lũ đã làm lộ sáng công tác quy hoạch các khu dân cư của người nghèo mà lâu nay các nhà quản lý cố tình lờ đi.
Ồ ạt phát triển các "khu đô thị"
Nha Trang là thành phố du lịch nổi tiếng nhưng trước đây du khách chỉ ghé tham quan, lưu trú dăm ba hôm rồi về. Chừng 10 năm trở lại đây, ngoài việc xây condotel và hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao, các đại gia bất động sản còn được chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho phép hình thành nhiều khu dân cư mới như Vĩnh Điềm Trung, Lê Hồng Phong 1 và 2, Mỹ Gia, Hoàng Phú... Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói rằng, tại các "khu đô thị mới" ấy, chủ đầu tư phải để lại cho tỉnh 20% quỹ đất để tỉnh giải quyết khó khăn cho các trường hợp có nhà bị giải tỏa hoặc nhà nghèo. Các chủ đầu tư còn có lựa chọn khác là trả cho tỉnh giá trị số đất ấy bằng tiền. Theo tìm hiểu của PV, thực tế các chủ đầu tư chọn hình thức "trả bằng tiền" chứ hiếm khi trả bằng đất, vì vậy cơ hội cho những gia đình nghèo được sở hữu mảnh đất trong các khu đô thị mới ấy là rất hiếm hoi, nếu không nói là không thể.
Việc phát triển ồ ạt các khu đô thị mới có thể mang lại cho Khánh Hòa một ít nguồn lợi về thuế nhà đất, song đã đẩy người nghèo ở Nha Trang vào tình thế buộc phải chọn con đường gần như liều lĩnh: xẻ núi để làm nhà ở!
Điểm sạt lở tại dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú cướp đi sinh mạng cả 4 bốn người trong gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong ở P.Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang) Ảnh: Đăng Khôi
Quỹ đất cạn kiệt
Núi đồi chiếm một diện tích khá lớn mà nhu cầu phát triển thành phố thì ngày một tăng nên quỹ đất Nha Trang dần cạn kiệt. Nhà nghèo thì dạt ra vùng ven để "chiếm lĩnh" các sườn đồi. Tuy nhiên đó là những triền dốc dựng đứng, còn những chỗ có thể bạt núi để hình thành khu biệt thự vườn đồi thì các đại gia đã chiếm cả rồi.
Tỉnh Khánh Hòa đã "chỉnh trang đô thị" đường Xóm Cồn bờ nam sông Cái khiến 700 gia đình ở đây phải di dời, một số được chuyển vô Hòn Rớ (xã Phước Đồng) - địa phương bị thiệt hại nặng nhất sau thảm cảnh lũ quét vừa rồi. Nếu sống ở khu tái định cư Hòn Rớ thì hẳn là không xảy ra bi kịch. Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết một số gia đình đã bán đất được nhà nước hỗ trợ tái định cư, lấy tiền lên núi Hòn Rớ làm nhà. Chia sẻ ý kiến này, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: "Với 600 triệu - tôi tính số gia đình được đền bù khá - thì vừa mua lại đất của khu tái định cư vừa xây được nhà là rất khó khăn nên không ít gia đình chọn giải pháp bán luôn miếng đất tái định cư ấy rồi lên núi làm nhà tạm, số tiền còn lại làm vốn kiếm kế sinh nhai".
Còn nhiều trường hợp không thuộc diện đền bù giải tỏa nhưng nhà đông con, không có tiền bèn lên núi chiếm đất. Chị Đào Hoài Linh (44 tuổi), mẹ cháu Nguyễn Hoàng Bách (10 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi vừa rồi là "tiêu biểu" cho cái nghèo phải lên núi làm nhà ở Hòn Rớ. "Vợ chồng lấy nhau được hai mặt con nhưng ảnh không có nghề nghiệp gì, ai thuê gì làm nấy, tôi thì phụ giúp ảnh mấy việc lặt vặt và trông con. Nuôi 4 miệng ăn còn chả đủ nói gì đến việc mua đất làm nhà dưới kia (tức dưới đồng bằng)".
Các ngọn đồi vây bọc quanh Nha Trang hiện nay đều có nhà của dân. Mạnh ai nấy xây, chẳng theo một quy hoạch nào nên khi có lũ lớn, họ thành những nạn nhân đầu tiên.
Cơ quan quản lý bất lực ?
Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, thừa nhận hiện có hàng ngàn gia đình làm nhà trên các sườn đồi ở thành phố này, đa phần là lấn chiếm hoặc mua rẻ đất rẫy, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Năm 2016, tại khu vực núi Xanh (xã Phước Đồng) xảy ra trận lở núi làm chết 6 người khiến các nhà quản lý "giật mình". Tuy nhiên, lãnh đạo các xã, phường, nơi hàng ngàn hộ dân "nhảy dù" lên các sườn núi đều lắc đầu vì không thể gỡ rối được. "Kinh phí di dời số hộ dân này rất lớn, trong khi quỹ đất để bố trí tái định cư thì rất hạn chế", ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó chủ tịch P.Vĩnh Trường, thừa nhận. Có phường như Vĩnh Hòa rất quyết liệt, nhà nào xây trái phép là buộc đập bỏ, song đâu lại vào đấy. UBND TP.Nha Trang, sau những sự cố chết người do lở núi ở núi Xanh, đã rà soát, thống kê những khu vực nguy hiểm, nhưng chưa thể chuyển toàn bộ dân sống gần núi ra khỏi khu vực nguy hiểm. "Việc tái định cư ngoài tầm của thành phố, chúng tôi chỉ thống kê và báo cáo hiện trạng thôi", ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, nói.
Điều tra vụ đào đất làm hồ trên núi gây sạt lở
Chiều 22.11, thượng tá Phan Văn Cường,Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết công an tỉnh đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ sạt lở xảy ra tại khu vực dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú (P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, do Công ty TNHH đầu tư - phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư) trong đợt mưa lũ đêm 17 ngày 18.11 làm thiệt mạng cả 4 bốn người trong gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong (33 tuổi). "Phòng Cảnh sát kinh tế đang phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ các nội dung liên quan, thu thập chứng cứ, xác định nguyên nhân, sau đó sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật", thượng tá Cường nói.
Ông Trần Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết qua kiểm tra, dự án đã tự ý đào múc đất tạo thành một hố sâu, mưa lớn phá vỡ bờ, ập xuống khu dân cư. “Trong quy hoạch dự án có hồ bơi (diện tích 974 m2), nhưng Sở chưa cấp giấy phép. Chủ đầu tư tự ý đào múc đất tại khu vực này, làm không đúng quy định, không có các biện pháp thi công hợp lý nên xảy ra sự cố. Sở đã đình chỉ thi công xây dựng tại dự án, đồng thời báo cáo UBND tỉnh”, ông Thọ cho biết.
Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.