Ngày 6.8, tại TP.HCM, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức hội thảo “MTTQ VN thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí khu vực phía nam”.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cho hay năm nay sẽ tập trung phòng chống tham nhũng (PCTN) ở địa phương. Bởi tham nhũng ở địa phương tuy không lớn nhưng diễn ra hằng ngày ở cấp xã, huyện, cấp phòng của Sở, làm mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền.
Từ đó, ông Túc mong hệ thống MTTQ tích cực giám sát, đấu tranh chống tình trạng tham nhũng vặt này. Hiện Ban Nội chính T.Ư chuẩn bị trình Bộ Chính trị về vấn đề tổ chức cơ quan PCTN ở các bộ ngành, địa phương. Ngoài ra còn có đề án trình Bộ Chính trị về cơ chế kiểm soát quyền lực trong PCTN.
Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Hữu Danh, Ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật Ủy ban T.Ư MTTQ VN, nêu lại ý kiến của một lãnh đạo công an TP.HCM trong một hội nghị PCTN ở TP.HCM năm 2016 liên quan đến Chỉ thị 15.
Theo ông Danh, phát biểu của vị này sau đó được báo chí đưa tin dẫn đến dư luận hiểu rằng Chỉ thị 15 quy định việc điều tra, khởi tố cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng phải báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy Đảng, gây khó khăn cho công tác PCTN. Theo ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ Địa phương - Ban Nội chính T.Ư, điều đó là không chính xác. “Đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, khi bị khởi tố thì cơ quan chức năng phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, còn đảng viên các cấp khác không phải xin ý kiến mà chỉ có quy định khi khởi tố đồng thời báo cho cấp ủy mà đảng viên đó sinh hoạt để biết và tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng”, ông Bá nói.
Bình luận (0)