'Thảm sát' ươi rừng: Bảo vệ rừng tiếp tay?

26/04/2018 10:00 GMT+7

Theo những người vào rừng khai thác ươi, họ phải “binh” đường mới qua được các trạm chốt dày đặc trong rừng. Thậm chí, có nhóm còn được Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp “cấp giấy” để vào khai thác hạt ươi.

Quá trình thâm nhập điều tra, điều khiến PV ngạc nhiên là từ đầu cửa rừng đến khu vực cây ươi bị tàn phá có hàng loạt chốt, trạm cố định lẫn di động của Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bù Đốp và bộ đội biên phòng nhưng “lâm tặc” vẫn vào khai thác và mang hạt ươi ra khỏi rừng. Trong đó, có những chốt chặn ngay các con đường hiểm yếu mà “lâm tặc” không thể không đi qua như: chốt quản lý bảo vệ rừng đường 10; chốt cầu Láng Mây và chốt cầu Đắk Huýt. Tại các chốt lại có sự phối hợp của nhiều lực lượng như: kiểm lâm, lâm trường, công an xã và bộ đội biên phòng.
Muốn ra phải “binh” đường
Th. (người chúng tôi gặp tại đồi Ngành Ngạnh) cho biết: “Khi vô thì mình cứ vô thôi. Đến hồi có hàng thì phải “binh” mới ra được”. Tương tự, nhóm người phơi ươi khu vực rừng giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia, ngay gần cột mốc 63) cho hay những người “binh” đường trọn gói thì thuộc dạng làm ăn lớn. Còn làm nhỏ gặp chốt nào đưa tiền chốt đó. “Đường này nhiều người mua, mình lẻ ra là bị xúc ngay. Tôi ở đây 6 - 7 năm mà không đưa ươi ra được, nhưng ông P. thì có đường ra. Ổng làm bên Campuchia nên quen biết hết rồi, nên chốt nào cũng qua được hết. Còn mình mà chở ra là bị bắt cả xe liền”, một người trong nhóm nói.
Còn C., người cầm đầu nhóm “làm ươi” ở khu vực dốc 7 tầng, cho hay: “Gặp chốt trạm thì ăn chia. Nếu bị bắt thì điện ra cho sếp vào giải cứu”. Khi PV dò hỏi đường “binh”, C. mách nước: “Có làm thì gọi cho thằng L.T. Ươi bọn này làm đều do nó đứng ra mua hết. Nó dẫn đường ra nhưng ươi phải bán cho nó, dù có bị ép bán 10.000 hay 20.000 (10.000 đồng/kg ươi tươi - PV) thì cũng phải bán cho nó. Anh cứ ra gặp L.T để nó chỉ cho làm giấy. Phải phô tô chứng minh nộp, ra xã chứng trước rồi qua bàn với lâm trường, chỗ ông Thành giám đốc đó”.
Bãi phơi và tập kết ươi ở khu vực rừng giáp biên giới tỉnh Mondulkiri (Campuchia, ngay gần cột mốc 63)
“Phải đóng thuế 30%” ?
Trong vai thương lái thu mua ươi, PV tiếp cận L.T. Nghe chúng tôi hỏi mua ươi với giá cáo, L.T đang làm ở trong rẫy vội chạy xe về tiếp, không quên mang theo một bịch ươi mẫu để khách xem. L.T cho biết đang có một bạt ươi phơi khô khoảng 5 tạ, đã chụp ảnh mẫu gửi qua Zalo cho khách. Nếu chúng tôi thỏa thuận được giá thì anh ta giữ lại, đường đưa ươi ra anh ta lo hết.
“Cái giấy này là đơn xin khai thác ươi, có ba ban ngành ký: bên nông lâm trường, xã với huyện. Mình kêu sao hạt không ký thì bên lâm trường nói rừng là rừng của tau, Hạt chỉ được tham mưu vô thôi”, L.T giải thích với PV khi chìa ra tờ “giấy phép” và cho biết thêm: “Hàng khi đưa ra thì đóng thuế 30% cho bên lâm trường. Tôi đã đóng 30% thì tôi được quyền đưa ra ngoài. Kể cả ông Thành giám đốc nói: mày chở đi đâu, làm gì, bị chặn lại thì điện tao”.
Thấy PV đắn đo vì “thuế” quá cao, L.T nói thẳng đóng cao mới làm được giấy và tiết lộ với “giấy phép” như vậy, anh ta thoải mái hoạt động ở tiểu khu 65 và dốc 7 tầng. “Khi hàng ra thì thiết kế ra trên đường 10 (BQLRPH Bù Đốp) thì kể cả hạt và các ban ngành cũng không có quyền bắt”, L.T nói.
Cũng theo L.T, anh ta đi thu mua và vận chuyển ươi số lượng lớn nên phải tính đường đi qua các chốt “đinh” trong rừng, tùy theo chốt và số lượng ươi đem ra mà “binh” nhiều hay ít. “Số lượng cân từ 5 tạ đến 1 tấn thì em “binh” một củ hai củ (1 - 2 triệu đồng - PV). Còn cân một, hai tạ thì có khi mua con gà với 5 lít rượu để đó. Đó là cách thức em đi”, L.T thật thà.
Nhóm người khai thác ươi ở dốc 7 tầng, đang chở hạt ươi ra khỏi rừng Ảnh: Tiểu Thiên
Ban quản lý rừng cho khai thác
Qua nhiều trung gian, PV cũng thu thập được “giấp phép thu hoạch ươi” mà L.T nói. Theo đó, một nhóm 14 người địa phương đứng đầu là Trương Tuấn (ngụ xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp) đã làm đơn xin khai thác quả ươi phục vụ nhu cầu cá nhân. Đơn ghi: “…qua khảo sát của bản thân và một số người dân xung quanh, khu vực rừng thuộc BQLRPH Bù Đốp hiện có một số cây ươi đang ra trái. Hiện chúng tôi có nhu cầu sử dụng trái ươi từ rừng để gia đình phục vụ nhu cầu cá nhân và chữa bệnh. Nay chúng tôi làm đơn này, kính trình các cấp chấp thuận cho chúng tôi được vào rừng xin thu hái quả cây ươi để phục vụ nhu cầu cá nhân và chữa bệnh”. Mặc dù đơn kính gửi UBND xã Phước Thiện nhưng phần xác nhận của UBND lại được ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng công an xã, ký và đóng dấu.
Từ đơn xin và được xác nhận này BQLRPH Bù Đốp đã có biên bản làm việc với nhóm người xin khai thác ươi. Theo đó, về chủ trương BQLRPH Bù Đốp nhất trí cho ông Trương Tuấn, là đại diện nhóm người xin khai thác quả ươi để phục vụ nhu cầu cá nhân và chữa bệnh. Trong biên bản nêu “Khai thác quả ươi bằng phương pháp trèo cây ươi, chặt những nhánh nhỏ, không chặt những nhánh có đường kính từ 5 cm trở lên. Cam kết không dùng cưa xăng, phương tiện độ chế để khai thác vào cưa hạ cây ươi...”. Thế nhưng, những gì PV Thanh Niên ghi nhận được là ươi rừng đang bị thảm sát, tiến dần đến nguy cơ tuyệt chủng.
Động rừng
Sau khi nắm được cách “binh” đường, PV lên kế hoạch bám theo nhóm làm ươi chở hàng qua các chốt, trạm thì bất ngờ nhận được tin báo “động rừng”. Tất cả nhóm khai thác ươi trong rừng đều lần lượt nhận được thông tin rút hết khỏi rừng, các đầu mối trước đây PV liên hệ cũng đều cắt liên lạc. Đáng ngạc nhiên, lúc này các chốt bảo vệ rừng trên toàn tuyến có động thái tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Từng đoàn bảo vệ lâm trường đi tuần tra tấp nập trên các đường mòn trong rừng. Tại các chốt, người qua lại bị lực lượng chặn hỏi gắt gao, không cho vô rừng. TR. nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi thấy lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra rầm rộ như vậy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.