Thế nhưng, nếu không phải là người dân xứ biển Phan Thiết thì ít ai biết tháp nước này được xây dựng từ khi nào, do ai thiết kế và xây dựng.
Bản vẽ thiết kế của Hoàng thân Lào khi là du học sinh
Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận, tháp nước Phan Thiết (tên gọi khác là đài nước) xuất phát từ ý tưởng và sáng tạo của du học sinh Trường Albert Sarraut Hà Nội, Souphanouvong (1909 - 1995, cố Chủ tịch nước CHND Lào). Được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, Souphanouvong học xong tiểu học ở Lào rồi sang du học tại Trường Albert Sarraut Hà Nội, một ngôi trường nổi tiếng Đông Dương thời đó.
Năm 1928, với niềm đam mê hội họa, sinh viên Souphanouvong đã vẽ bản thiết kế tháp nước. Bản vẽ của sinh viên người Lào được Sở Công chánh Hà Nội phê duyệt trước khi đưa ra đấu thầu. Sau đó, một người Huế trúng thầu và thuê người Pháp xây dựng tháp nước này. Dù được khởi công từ năm 1928, nhưng mãi đến năm 1934 công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ Pháp và người dân nội thị Phan Thiết lúc bấy giờ.
Tháp nước Phan Thiết được thiết kế và xây dựng theo hình trụ bát giác đều; chiều cao từ đế lên đỉnh tháp là 32 m. Thân tháp cũng có hình trụ bát giác, mỗi cạnh rộng 3,9 m, càng lên cao càng thu nhỏ. Đường kính chân tháp là 9 m; chu vi chân tháp 31,2 m; diện tích sàn 73,4 m2. Có 5 ô thông gió trên thân tháp tương ứng 5 chữ: Hỷ, Phúc, Thọ, Kiết, Lộc với ý nghĩa chúc vui vẻ, hạnh phúc, trường sinh và thịnh vượng. Bồn nước trên cùng cao 5 m, hình bát giác, đường kính 9 m, có sức chứa 350 m3 nước. Thân tháp có 4 chữ màu men xanh (UEPT) viết tắt của chữ: Usine des Eaux de Phan Thiết (Nhà máy nước Phan Thiết). Tháng 8.1945, trong khoảnh khắc lịch sử chính quyền về tay nhân dân, tháp nước chính là nơi được chọn cắm lá cờ đỏ sao vàng của chính quyền cách mạng.
Cứ thấy tháp nước là nhớ quê
Tháp nước Phan Thiết không chỉ là công trình mang đậm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào, mà nó còn trở thành biểu tượng văn hóa ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người dân xứ biển Phan Thiết.
Năm 2002, tỉnh Bình Thuận phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng của tỉnh, cuối cùng đã chọn logo Tháp nước Phan Thiết của tác giả Nguyễn Công Quang làm biểu trưng của tỉnh này. Từ đó đến nay, bất kỳ một sản phẩm nào của Bình Thuận cũng mang logo Tháp nước Phan Thiết.
Theo ông Phan Dương Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bình Thuận, dù qua hai cuộc chiến, đã hơn 80 năm nhưng tháp nước Phan Thiết vẫn hiên ngang đứng vững soi bóng xuống dòng sông Cà Ty. “Năm 2019, được UBND tỉnh giao thực hiện công trình trùng tu tháp nước Phan Thiết, chúng tôi đã lựa chọn phương pháp kỹ thuật phù hợp nhất để trùng tu sao cho giữ nguyên trạng công trình văn hóa này. Tháp nước Phan Thiết mãi mãi là công trình văn hóa của người Bình Thuận. Để những người con xa quê, khi nhìn thấy biểu tượng tháp nước lại nhớ về phố biển Phan Thiết quê mình”, ông Cường nói.
Bình luận (0)