Thế Lữ – Tâm sự của một lớp người

22/12/2005 14:39 GMT+7

Gửi anh NĐN Sẽ là một lầm lẫn khiến ta dễ trở thành kẻ lạc đường khi chỉ căn cứ vào quan niệm thơ để tìm hiểu - vì tưởng đó là phản ánh - tâm hồn nhà thơ hay chính con người nhà thơ khi đến với thế giới thơ Thế Lữ

Muốn đến với Mấy vần thơ của Thế Lữ ta cần đi một con đường ngược lại. Hãy từ cánh hoa đã nở để đi vào chất nhựa của cây, nói khác đi để tiếp cận thi giới của Thế Lữ phải đi từ cái thực đến cái không thực, rồi khi đã đắm mình trong thế giới của cái không thực ấy ta lại sẽ tìm ra cái thực của tâm hồn nhà thơ.

Khởi đầu bằng cách tự khẳng định: “Thôi! Hãy để giọng buồn thương ta thán/ Cho chúng tôi là một bọn nhạc công/ Trăm ngàn năm gảy mãi sợi tơ lòng/ ca những khúc sầu vui tình thiên hạ”. Thế Lữ đã khiến không ít người lạc đường khi đến với tâm cảnh phức tạp của nhà thơ. Đã có nhiều người cho rằng thơ Thế Lữ là một tiếng buồn vẩn vơ, rằng nhà thơ chỉ tìm quên cuộc đời bằng những ảnh hình mông lung của một cõi thiên thai nào trong mộng (Đã có lúc người  ta e ngại cả từ ngữ lãng mạn). Nhưng đừng nói đâu xa, chỉ với riêng bài thơ để đời của Thế Lữ - Nhớ rừng - ta có thể tìm thấy bức chân dung đậm nét nhất của tâm hồn nhà thơ. Ở đây như vừa bộc bạch mà lại như vừa giấu kín một tâm sự. Nếu Tú Xương chỉ cần nói đến nỗi sầu mất nước bằng hình ảnh: sông kia rày đã nên đồng thì Thế Lữ cũng để lộ tâm sự ấy bằng hình ảnh của con hổ:” Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”. Vì thế, ta phải hiểu rằng nỗi buồn vẩn vơ của Thế Lữ không hẳn là nỗi buồn của một kẻ bộ hành phiêu lãng. Mà cũng có thể là chính nhà thơ đã dối lòng khi tự nhận mình chỉ xuôi ngược vui chơi trên những nẻo đường ngang dọc của thời gian.

Mang tâm sự u uất của người dân mất nước nhưng Thế Lữ đã không còn tâm trạng của Tú Xương hay Yên Đỗ, Thế Lữ đã thuộc về một thế hệ mới, thế hệ đón nhận và đắm mình trong làn gió lãng mạn thổi lại từ phương Tây. Thế hệ Thế Lữ đã hoàn toàn xa cách với cái lẽ xuất - xứ của lớp người trước. Ýù thức được cảnh sống mòn của người dân nô lệ, không thể không nhìn thấy những cảnh bất công đầy dẫy trong xã hội nơi người  ta đưa ra cái chiêu bài công lý để thủ tiêu công lý. Thế Lữ - cũng như cả một thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái - đã để tâm hồn hướng tới lối thoát qua cánh cửa của tình yêu. Có vẻ như đó là lối thoát dĩ nhiên của thế hệ ấy. Làm sao mà trách được. Mặc cảm bất lực đã làm chùn bước ý chí, và mơ mộng đã trở thành lối nhỏ dẫn dắt tâm hồn. Ở Thế Lữ còn có một con người khác với con người khát khao những “khúc trường ca dữ dội” hay muốn dấn thân vào những chiều gió mưa “rung chuyển bốn phương ngàn”. Đó là con người say đắm thiên nhiên và yêu mê nghệ thuật. Hai mặt khác biệt trong một con người thống nhất tạo nên chính cái phức tạp của tâm hồn nhà thơ. Thế Lữ cay cực trong thân phận của người dân nhược tiểu nhưng cũng chẳng rũ bỏ được lớp áo hào hoa của con người nghệ sĩ. Tâm sự Thế Lữ chính là nỗi giằng xé giữa hai mặt đối lập của tâm hồn. Chính vì thế mà có lúc Thế Lữ khát khao cuộc sống hồ hải: “Năm năm theo tiếng gọi lên đường/ tóc lộng tơi bời gió bốn phương”. Nhưng cũng lại có lúc: “Giận đời muốn khuất những trò đảo điên”. Chính điều đó giúp ta hiểu rằng nhà thơ ý thức đươc thân phận của một người dân mất nước trong sự ngợi ca một con người lý tưởng, và con người lý tưởng ấy chính là mẫu số chung tâm hồn của cả một thế hệ các nhà thơ lãng mạn. Con người lý tưởng ấy chính là hình ảnh những chiến sĩ, nghệ sĩ si tình, đã một thời cuốn hút bao tấm lòng và tạo nên những vần điệu và cung bậc tuyệt vời.

Cho nên hôm nay, khi Thế Lữ - một nhà thơ có công ở buổi đầu của phong trào Thơ mới, một nghệ sĩ và một kịch tác gia khởi đầu của sân khấu kịch nói VN đã là một vì sao rụng, tôi nghĩ đến nỗi lòng chưa tỏ của cả một thế hệ nhà thơ. Xin đừng chỉ căn cứ vào quan niệm thơ để soi tìm tâm cảnh và thi giới của nhà thơ. Phải chăng thế hệ Thế Lữ đã sống trong một sự song trùng tâm lý khá cay nghiệt: ý thức - trốn chạy và khát vọng, u uất:

Đàn lòng ta sắt ai cầm
Lại đây hòa điệu hòa âm ta cùng
Du dương chung khúc mơ mòng
Mây cao với núi chập chùng kia ơi
Tôi cảm thấy đâu đây còn thấp thoáng nụ cười của Thế Lữ.

Tần Hoài Dạ Vũ

(Thanh Niên  11/6/1989)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.