Thi công tắc trách gây chết người: Vì sao không xử lý hình sự?

26/10/2009 00:23 GMT+7

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do sự tắc trách trong quản lý, thi công các công trình tải điện và xây dựng thời gian qua cũng đều khựng lại trước "ngưỡng cửa" hình sự. Tại sao? Nghe đọc bài

Cơ quan Cảnh sát điều tra  Công an TP.HCM vừa ra quyết định không khởi tố hình sự vụ em bé 7 tuổi chết vì lọt hố ga ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc dự án Vệ sinh môi trường) vào ngày 1.1.2009, mà chỉ chuyển Thanh tra Sở GTVT xử lý hành chính, cho dù chính nhà thầu đã thừa nhận trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, không phát hiện kịp thời việc mất nắp đậy hố ga để xảy ra chết người.

Không “bắt” được ai?

Trao đổi với Thanh Niên, Luật sư - tiến sĩ Phan Đăng Thanh cho rằng Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đã quy định một số tội danh dành cho hành vi thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý các công trình công cộng.

“Hàng loạt vụ tai nạn thời gian qua đã gióng lên một hồi chuông báo động về thực trạng thiếu an toàn từ các công trình công cộng, vốn là những nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, việc xử lý hình sự những hành vi trên mới đủ sức răn đe”.

Luật sư Trương Xuân Tám

Chẳng hạn, đặt trái phép chướng ngại vật, dựng “lô cốt”, tạo lỗ đào sâu, hố ga, ổ gà... trên đường trong quá trình thi công, tu bổ đường sá, hầm cống thì cá nhân có thể bị quy trách nhiệm về “tội cản trở giao thông đường bộ” (điều 203 BLHS). Nếu sau khi công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà tai nạn xảy ra thì các cá nhân có thể chịu trách nhiệm pháp lý về “tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (điều 220 BLHS).

Còn nói chung, khi tai nạn xảy ra, các cơ quan tố tụng đều có thể xem xét trách nhiệm hình sự về “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 BLHS), “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 99 BLHS), “tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 109 BLHS)...

Tuy nhiên, theo luật sư Thanh, có một trở ngại đang “bao che” cho toàn bộ hành vi phạm tội nói trên, khiến cho đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng gần như chưa truy cứu trách nhiệm hình sự được vụ nào. Đó là, luật của ta không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) mà chỉ cá nhân (con người cụ thể). Nhưng phát hiện đích danh đó là cá nhân nào lại là chuyện cực kỳ khó, bởi theo thông lệ hiện nay, khi phân công giao việc, các cơ quan quản lý thường không có sự phân chia trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Khi việc không hay xảy ra thì cơ quan này lại đổ cho cơ quan kia, có khi ngay trong cùng một cơ quan cũng không thể truy ra được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Hầu như ai cũng có quyền, nghĩa vụ mà không xác định được trách nhiệm cụ thể thuộc về ai. Ông Thanh cho rằng đây chính là “lỗ hổng” của pháp luật hình sự, do đó cần hướng tới xử lý hình sự pháp nhân.

“Tất nhiên, trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, ta không thể bỏ tù một tập thể, nhưng hoàn toàn có thể áp dụng các hình phạt như: đóng cửa, thu hồi giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn, phạt tiền (không giới hạn mức tiền như xử phạt hành chính)... Có vậy mới đủ sức răn đe với những trường hợp pháp nhân vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Thanh nói.

Rào chắn trên xa lộ Hà Nội quá sơ sài nên thường xuyên ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường - Ảnh: P.T

Cơ quan tố tụng chưa nhiệt tình?

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc hàng loạt vụ tai nạn thời gian qua chưa được khởi tố phần nhiều là do sự thiếu nhiệt tình của các cơ quan tố tụng.

Ông Hoàng Xuân Sơn - nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao - phân tích, các vụ tai nạn này đều hội đủ yếu tố cấu thành hình sự, trách nhiệm còn lại là ở các cơ quan tố tụng, mà trước hết là lực lượng cảnh sát điều tra. Theo ông Sơn, nói cơ quan điều tra (CQĐT) không cụ thể hóa được cá nhân để truy cứu trách nhiệm hình sự là không chấp nhận được. Bởi vì, khi đã phát hiện dấu hiệu tội phạm thì CQĐT hoàn toàn có đủ điều kiện lẫn năng lực để xác định được tai nạn gây ra là ở khâu nào (thiết kế, thi công, duy tu...) do ai phụ trách (cán bộ quản lý, kỹ sư thiết kế, công nhân thi công...).

“CQĐT kêu khó chẳng qua là do ngại khó, chưa làm hết trách nhiệm. Quan trọng là có quyết tâm làm hay không. Nói khó thì chẳng lẽ tất cả các vụ án do tập thể gây ra đều bó tay hay sao? Không ít vụ giết người do đám đông gây ra mà CQĐT vẫn có thể phân định và truy cứu trách nhiệm hình sự từng người, thì cớ gì trong những vụ tai nạn thế này lại không xác định được cá nhân chịu trách nhiệm?” - ông Sơn đặt câu hỏi.

Ông Võ Văn Thêm - kiểm sát viên cao cấp Viện KSND tối cao - thì cho rằng các vụ tai nạn chết người do thiếu trách nhiệm trong thi công, quản lý các công trình công cộng được xem là một dạng tội phạm mới, chưa có tiền lệ xử lý hình sự nên CQĐT còn e dè, lúng túng. Theo ông Thêm, trong trường hợp CQĐT ra quyết định không khởi tố hình sự, thì Viện KSND cùng cấp vẫn có thể hủy quyết định này và yêu cầu khởi tố nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm. Quan trọng là kiểm sát viên phải phát huy được vai trò kiểm tra và giám sát hoạt động điều tra bằng cách tham gia từ đầu đến cuối vụ án một cách độc lập.

Luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc - nhận xét, hoàn toàn không khó khăn gì cho CQĐT khi xác định lỗi của những cán bộ quản lý, công nhân nếu họ thiếu trách nhiệm, làm ẩu, làm sai quy tắc an toàn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc khởi tố hình sự không phụ thuộc vào việc phía người bị hại có đơn tố cáo hay không, do vậy việc các nhà thầu chủ động bồi thường, hỗ trợ gia đình nạn nhân và họ có làm đơn bãi nại cũng chỉ là tình tiết để tòa án xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử.  

* Trong hai năm 2007 và 2008, có ít nhất 10 em nhỏ bị chết do lọt vào các hố ga, ổ gà của các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM do thiếu rào chắn. Như vậy, nhà thầu đã vi phạm quy tắc về đảm bảo an toàn công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên không có vụ nào được khởi tố.

* Vụ đứt dây điện giật chết một cô gái 22 tuổi tại đường u Cơ (Q.Tân Phú) vào ngày 13.4, dư luận nghi vấn chất lượng của rờ-le "có vấn đề", bởi theo đúng quy trình vận hành lưới điện, khi xảy ra sự cố đứt dây thì rờ-le phải ngắt điện ngay, song rờ-le này đã không hoạt động dẫn đến chết người. Như vậy, ngành điện phải chịu trách nhiệm vì đã không duy tu định kỳ hoặc có duy tu nhưng không phát hiện rờ-le cũ, hỏng... Thế nhưng, tất cả những nghi vấn này vẫn chưa được sáng tỏ, và mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Tân Phú xác nhận không khởi tố vụ án.

* Liên quan đến cái chết của em Cồ Quốc Duy (học sinh lớp 8) do rò rỉ điện từ trụ đèn chiếu sáng trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) vào tối 31.8, dư luận cho rằng ngành chiếu sáng đã thiếu trách nhiệm khi mối nối điện không kín và hệ thống tiếp địa hoạt động không tốt, để rò điện ra vỏ trụ đèn bằng kim loại gây giật chết người.

* Vụ em Trần Trung Huy (10 tuổi) bị điện giật chết trên đường Chợ Lớn (Q.6) chiều 27.9, chính ngành điện đã công khai thừa nhận nguyên nhân là do đấu nối sai kỹ thuật trong quá trình lắp đặt dây tiếp địa. Như vậy, ở đây, dấu hiệu "tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (điều 99 BLHS) là rõ ràng.

* Vụ sập cần cẩu bê tông làm chết người vào ngày 30.9 tại công trình thi công đường kết nối cầu Phú Mỹ trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7), Sở LĐ-TB-XH xác định lỗi là do nhà thầu How Yu (Trung Quốc) đã sử dụng sai phương pháp cẩu và không lập bán kính nguy hiểm để cảnh giới xe cộ.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.