Thí điểm tuyển chọn 600 thanh niên ưu tú làm cán bộ xã

13/08/2010 23:10 GMT+7

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án thí điểm đưa 600 thanh niên ưu tú có trình độ đại học đi rèn luyện kinh nghiệm điều hành, quản lý với tư cách phó chủ tịch ở các xã nghèo, khó khăn trong cả nước.

Trả lời PV của Báo Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Đăng Minh (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ cho biết, các thanh niên ưu tú sau khi tuyển chọn sẽ được bồi dưỡng trong khoảng 3 tháng về kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng quản lý điều hành của phó chủ tịch xã... trước khi nhận nhiệm vụ.

Bộ Nội vụ mong muốn, thông qua mô hình này hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo tương lai.

* Thưa ông, ý tưởng thí điểm tăng cường thêm một phó chủ tịch xã cho các xã nghèo xuất phát từ đòi hỏi thực tế như thế nào về bộ máy chính quyền cấp xã tại các địa phương?

- Qua điều tra khảo sát thực tế cho thấy tại các xã khó khăn hiện nay, đặc biệt là các xã nghèo (cả nước hiện 894 xã nghèo trong phạm vi đối tượng chương trình 30a - hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững), ngoài khó khăn về kinh tế, còn khó khăn ở chính đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Điều tra sơ bộ tiêu chuẩn theo chức danh Nhà nước ban hành cho thấy, một số xã chủ tịch, các phó chủ tịch có trình độ đại học, một số nơi có trình độ trung cấp, nhưng cũng có nơi chỉ có trình độ phổ thông như lớp 5, lớp 7, trung bình là lớp 9... Chính vì vậy điều kiện bảo đảm điều hành kinh tế - xã hội còn bất cập.

Thứ hai nữa trong quá trình thực hiện chương trình 30a, có một thực tế là các dự án từ 500 triệu đồng trở xuống thì do địa phương làm chủ đầu tư, đòi hỏi người điều hành, quản lý phải có kiến thức trình độ, có sự hiểu biết về các quy định của pháp luật. Vì vậy, Thủ tướng mới chỉ đạo tăng cường thêm đội ngũ nhân lực có trình độ về giúp các xã nghèo thực hiện tốt chương trình 30a.

* Như ông nói thì 600 thanh niên được lựa chọn là những người ưu tú, vậy có tiêu chí cụ thể gì cho việc lựa chọn các phó chủ tịch xã tương lai này không?

- Tiêu chuẩn quan trọng nhất là phải có tinh thần xung kích tình nguyện, dám nghĩ, dám làm và dám chịu khó khăn gian khổ. Những xã cần tăng cường thêm một phó chủ tịch là những nơi khó khăn mọi bề, từ điều kiện kinh tế - xã hội đến phong tục tập quán... thì phải dám chấp nhận khó khăn đó. Thứ hai nữa là năng lực, chuyên môn mà thanh niên đó có được phù hợp mong muốn, nguyện vọng, đặc thù riêng của từng địa phương là tốt nhất.

* Lộ trình tuyển chọn và sử dụng 600 phó chủ tịch xã tương lai cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Đầu tiên là tuyển chọn từ địa phương, ưu tiên tuyển chọn từ xã, huyện đó, nếu huyện không có thì đưa từ tỉnh về, tỉnh không có thì đưa thanh niên tình nguyện từ nơi khác về. Theo lộ trình thì chúng tôi sẽ giao cho Đoàn thanh niên tổ chức tuyển chọn, đây là trách nhiệm của Đoàn thanh niên và ngành Nội vụ cùng phối hợp để tuyển chọn, có cơ chế phân cấp.

Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ Nội vụ sẽ phải trình Chính phủ dự án thí điểm này, dự kiến sang năm 2011 sẽ bắt đầu triển khai nhưng sẽ có bước đi thận trọng, tức là thí điểm ở một số tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước, khoảng 5 tỉnh, sau đó rút kinh nghiệm từ quy trình tuyển chọn đến tổ chức đào tạo, sau đó mới tiếp tục nhân rộng. Quan trọng là tỉnh nào sẽ xung phong tình nguyện làm trước.

* Vậy những đối tượng đưa về các xã đó sau 5 năm, Nhà nước sẽ có cơ chế bổ nhiệm và tiếp tục sử dụng như thế nào?

- Chúng tôi đang trình các cấp có thẩm quyền. Tất nhiên là bản thân các em khi được tuyển dụng vào đã là công chức nhà nước rồi thì cách bố trí, sử dụng có nhiều phương thức khác nhau, căn cứ vào năng lực thực tế của các em thì các cơ quan nhà nước sẽ có kế hoạch bồi dưỡng.

Nguyệt Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.