Thiên tai năm 2017 làm 386 người bị chết, gây thiệt hại 60.000 tỉ đồng

29/03/2018 07:46 GMT+7

Thiên tai năm 2017 gây ra thiệt hại rất lớn về con người và kinh tế với trị giá khoảng 60.000 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với mức trung nhiều năm, chưa kể những hệ lụy môi trường, làm đình trệ sản xuất.

Sáng nay, 29.3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN - PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.
Tổng Cục Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2017 được ghi nhân là năm có số lượng bão kỷ lục, với 16 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, nhiều cơn bão mạnh như bão số 12 đã làm 123 người chết và mất tích thiệt hại kinh tế lên tới 22.679 tỉ đồng, cao gấp gần 2 lần so với tổng thiệt hại thiên tai trong năm 2016 (11.628 tỉ đồng).
Năm 2017, thiên tai cũng đã làm 386 người chết, trong đó có tới 243 người chết do mưa lũ, ngập lụt và 71 người chết do sạt lở đất, lũ quét , 43 người chết do bão. Tổng thiệt hại về tài sản, kinh tế lên tới 60.000 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với mức trung bình trong nhiều năm nay.
Cũng theo Tổng Cục này, trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất chiếm khoảng 1- 1,5% GDP, chưa kể những ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống. Đáng lưy ý, thiệt hại về con người, tài sản trên biển đã giảm nhưng thiệt hại do hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng về cường độ và tính chất bất thường, khó lường, theo chiều hướng cực đoan. Điển hình trong 2 năm gần đây, hạn hán xâm nhập mặn lịch sử xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Khu vực miền Trung đã xuất hiện đến 5 trận lũ lớn liên tiếp làm 286 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trong khu vực này khoảng 39.726 tỉ đồng.
2017 cũng là năm ghi nhận có nhiều đợt mưa lớn kỷ lục, điển hình là mưa diện rộng cuối mùa giữa tháng 10 khiến hồ Hoà Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy.
Ông Trần Quang Hoài nhận định, lũ quét và sạt lở đất gia tăng trong những năm gần đây là dấu hiệu nguy hiểm, đáng lo ngại. Khảo sát đến cuối năm 2017 ở các địa phương, trong hơn 1,2 triệu hộ gia đình ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất thì có trên 83.800 nhà ở kém an toàn và 5.176 hộ trong vùng nguy hiểm đang chờ di chuyển khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.