Thôi chức vụ quản lý vẫn làm Bí thư Đảng ủy

Dù bị cho thôi chức chủ tịch lẫn tổng giám đốc giữa nhiệm kỳ vì “không hoàn thành nhiệm vụ”, song ông Trần Văn Khâm vẫn cứ giữ chức Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên.

Liên tiếp bị miễn nhiệm
Trong khi hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp tại 12 dự án thua lỗ của ngành công thương bị xử lý kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau thì trường hợp ông Trần Văn Khâm, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco), là một câu chuyện đặc biệt. Ông Khâm nguyên là Phó tổng giám đốc Tisco trong giai đoạn triển khai mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) - một trong 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ của ngành công thương. Đến năm 2009, ông lên làm tổng giám đốc và kiêm luôn chức vụ chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp (DN) và nắm giữ hai vị trí quyền lực nhất này trong 5 năm kế tiếp. Đây cũng là giai đoạn mà dự án này gần như giẫm chân tại chỗ với những rắc rối liên quan đến nhà thầu, chậm tiến độ và đội vốn khủng.
Cụ thể, hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) được Tisco và nhà thầu MCC ký kết vào tháng 7.2007 với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng); thời gian thực hiện 30 tháng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi khởi công, trong vòng 18 tháng không thể triển khai thực hiện thi công dự án theo tiến độ hợp đồng đã ký. Tháng 3.2009, phía Trung Quốc đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu VN là Tổng công ty xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) thực hiện. Đầu năm 2011, Bộ Công thương cho phép Tisco và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng đến tháng 6.2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay. Gần một năm sau ngày công trường bị dừng thực hiện, đến 5.2013, dự án chính thức được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng.
Trong hơn 1 năm sau đó, do dự án không có nhiều tiến triển, nên ông Trần Văn Khâm đã bị miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT, rời khỏi ghế chủ tịch HĐQT. Tiếp đó, hơn hai tháng sau, HĐQT Tisco đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc nhiệm kỳ 2014 - 2019 đối với ông Khâm. Thế nhưng, hiện ông Trần Văn Khâm vẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy Tisco - đứng đầu một Đảng bộ trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên ngày 15.8, một lãnh đạo cấp cao của Tổng công ty thép VN (DN nắm cổ phần chi phối tại Tisco) cho biết việc miễn nhiệm các chức danh chủ chốt trong ban điều hành Tisco với ông Khâm là một hình thức kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, chức vụ Bí thư Đảng bộ của ông Khâm thì DN không có quyền xử lý bởi thẩm quyền thuộc về Tỉnh ủy Thái Nguyên. “Chúng tôi chỉ quản lý ông Khâm ở các cương vị điều hành công ty. Và khi xử lý ông Khâm về mặt này thì chúng tôi đều thông báo cho Tỉnh ủy Thái Nguyên chứ không thể đề nghị xử lý về mặt Đảng”, vị này nói.
Suy yếu vai trò của đảng bộ
Cùng ngày, trao đổi với Thanh Niên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Hội đồng dân tộc của QH) cho rằng việc ông Khâm bị xử lý bằng cách miễn nhiệm hết chức vụ quản lý trong DN mà vẫn còn giữ chức Bí thư Đảng ủy là điều lạ. Bởi theo ĐB này, người đứng đầu một DN có dự án lớn, thua lỗ như thế, đến mức phải giải cứu thì kết quả sản xuất kinh doanh không những phải gắn với vai trò quản lý DN mà còn gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy. “Vì phương án kinh doanh còn phải thực hiện theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ. Cho nên Đảng ủy ở đó cũng không vô can. Không chỉ Bí thư Đảng ủy mà Phó bí thư, Thường vụ Đảng ủy cũng phải có trách nhiệm”, ông Sinh phân tích. Cho nên, ĐB Sinh nhấn mạnh: “Trong trường hợp này, nếu chỉ xử lý về mặt quản lý mà không gắn với xử lý về cấp ủy là có vấn đề. Mà nói thẳng là thực hiện không đúng quy định của Đảng về xử lý cán bộ”.
Trước đó, trả lời câu hỏi của Thanh Niên rằng “Bí thư Đảng ủy mà không tham gia ban lãnh đạo DN thì sự lãnh đạo của Đảng có yếu đi?”, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Tisco, từng thừa nhận: “Bí thư không vào HĐQT và Ban giám đốc thì vai trò của Đảng ở đây yếu đi nhiều”. Thế nhưng, theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, nếu nói vậy thì các đảng viên ở Đảng bộ Tisco cũng không hoàn thành nhiệm vụ vì khi người đứng đầu trong tổ chức Đảng của mình không còn uy tín mà vẫn để vậy thì tức là làm suy yếu vai trò của Đảng trong Đảng bộ đó. “Thậm chí, nói thẳng hơn nữa là vai trò cấp ủy ở đó đã bị vô hiệu”, ông Sinh nhận xét.
Khi trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, cũng nhìn nhận không riêng tại Tisco mà bất cứ DN nào nếu bí thư Đảng bộ kiêm lãnh đạo thì “sẽ có uy lực hơn trong việc lãnh đạo điều hành công việc”. Khi ấy, đề cập đến các chức vụ của ông Trần Văn Khâm, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng ông Khâm không phải bị miễn nhiệm mà do sắp xếp về nhân sự tại Tổng công ty thép nên có thể không bầu vào các chức danh lãnh đạo. Cùng với đó, ông Khoa cho hay khi Đoàn kiểm tra số 2 của Ủy ban Quốc gia về phòng chống tham nhũng làm việc tại Thái Nguyên và Tisco thì cũng không hề đề cập đến trách nhiệm ông Khâm. “Vì thế chúng tôi thấy rằng không có vấn đề gì về bố trí chức vụ Bí thư Đảng ủy với ông Khâm”, ông Khoa nói.
Trong công tác cán bộ, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm thì thông thường sẽ bị xử lý về mặt Đảng trước, sau đó xử lý về mặt hành chính tương đương. Về việc này, ĐHQH Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh: “Nhưng việc ông Khâm bị miễn nhiệm các chức vụ trong hành chính song lại không bị xử lý về mặt Đảng chứng tỏ chưa có sự phối hợp tốt giữa quản lý nhà nước và công tác Đảng”.
Dư luận băn khoăn là việc không bình thường này đến bao giờ mới được xem xét,xử lý?
Công ty thua lỗ, lãnh đạo ở nhà to xây dựng sai phép
Ông Trần Văn Khâm đã gây ra bức xúc dư luận khi xây nhà trái phép tại tổ 13, P.Trung Thành, TP.Thái Nguyên. Ngày 24.4.2012, UBND TP.Thái Nguyên đã cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho vợ chồng ông Trần Văn Khâm với tổng diện tích sàn là 420 m2, chiều cao công trình là 7 m và số tầng được phép xây dựng là 2 tầng. Tuy nhiên, gia đình ông Khâm sau đó đã xây thành một biệt thự cao 5 tầng, vượt quá chiều cao hơn 10 m. Ngoài ra, một phần công trình xây dựng sai phép vi phạm lộ giới đường quy hoạch. Từ tháng 9.2013, UBND TP.Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với công trình vi phạm của ông Khâm, buộc tháo dỡ công trình sai phép, nhưng đến nay, phần vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.