|
Đó là một trong những đánh giá của Ủy ban Người Việt Nam (VN) ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tại hội nghị người VN ở nước ngoài lần thứ 2, với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người VN ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, diễn ra hôm qua tại TP.HCM. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan... và gần 1.000 kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.
Cần đối xử như công dân trong nước
|
Nêu ra thực trạng còn thiếu bình đẳng trong hoạt động đầu tư, đại diện Hội Người VN tại Pháp, cho rằng: “Một khi được nhìn nhận là công dân VN, người VN ở nước ngoài nên được đối xử như công dân trong nước, có quyền lập công ty kinh doanh với quyền lợi và nghĩa vụ như tất cả công ty trong nước”. Ông Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada) nói: “Bên cạnh những gì chúng ta đạt được, còn không ít những vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ và xử lý nghiêm túc. Chẳng hạn trong lĩnh vực thu hút đầu tư của kiều bào về nước, khi gặp kiện tụng tranh chấp với các đối tác tại VN, kiều bào còn mang nặng tâm lý lo lắng phần thua rơi về mình mặc dù họ thực hiện đúng và nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng; kể cả khi thắng kiện thì việc thi hành án cũng bị kéo dài và khó lấy lại được những gì đã mất”.
Là một người về nước đầu tư từ năm 1984, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Philippines) thẳng thắn kiến nghị Chính phủ cần chú trọng rà soát lại thực trạng áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành để điều chỉnh kịp thời, nhằm phát huy và thu hút được mọi nguồn lực của các doanh nhân - trí thức Việt kiều, trong đó và trên hết là cơ chế chính sách phải được thực thi một cách nhất quán hoặc có lộ trình áp dụng nhằm tránh thay đổi bất thường, nhất là phải minh bạch và kỷ cương trong thực hiện.
Theo GS Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ), các kiều bào đã có thời gian sinh sống khá lâu ở nước ngoài nên khi quay về quê hương vẫn có những điểm khác biệt. Điều quan trọng là VN có chấp nhận sự khác biệt đó hay không? “Chúng tôi không cần được ưu đãi về tài chính mà chỉ cần các cơ chế thông thoáng. Chúng ta đã nói rất nhiều nhưng trên thực tế vẫn chưa làm được gì nhiều, nhất là chưa chứng tỏ cho kiều bào nhìn thấy được đâu là cơ hội ở VN để các trí thức hay doanh nghiệp quay về tham gia đầu tư, nghiên cứu”, GS Vinh nói.
Phải thay đổi giáo trình học
|
Ở một khía cạnh khác, các doanh nhân kiều bào cho rằng hàng hóa của VN có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước, và kiều bào có thể là cầu nối để đưa hàng hóa trong nước đến nhiều nơi trên thế giới.
TS Alan Phan (Việt kiều Mỹ) nêu một thực tế, đó là Thụy Sĩ và Singapore không có một nền tài chính mạnh như Mỹ và Anh..., cũng không có công nghệ gì sáng tạo hơn, nhưng họ biết biến quốc gia nhỏ bé của họ thành một trung tâm tài chính thế giới qua các chính sách mở rộng mà kín đáo, hiệu năng và minh bạch. VN có thể tìm một lợi thế cạnh tranh theo phương thức này. Về du lịch, VN có thể đào sâu vào một chiến lược đặc trưng như du lịch hưu trí, sinh thái, thám hiểm... để tạo thị trường.
TS Alan Phan cho rằng, hai ngành nghề mà VN có thể dẫn đầu ASEAN nếu biết phát triển đồng bộ và sáng tạo. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn được đảm bảo bởi những cơ quan kiểm phẩm hàng đầu thế giới. Thứ hai là ngành công nghệ thông tin tại các thành phố lớn bao quanh bởi các đại học tiến bộ và hiện đại. Theo đó, giáo trình học phải thay đổi và các trung tâm công nghệ thông tin phải có những cơ sở hạ tầng tối tân nhất. Trên hết, luật về bản quyền trí tuệ phải được thắt chặt và nghiêm túc thực thi...
Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Trung ương thời gian qua đã chỉ đạo rất thông thoáng nhưng đôi khi ở các địa phương còn gây khó khăn. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp tháo gỡ để bà con kiều bào không còn gặp những khó khăn cản trở”.
Tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) cho rằng, giới trí thức kiều bào có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng. Nhờ giỏi ngoại ngữ, am tường luật pháp quốc tế nên có thể nói rằng họ như những người gác cổng về mặt học thuật. Các diễn đàn trên mạng là nơi giới trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ thông tin, thảo luận và cùng nhau hành động. Một trong những vấn đề mà giới trí thức đã làm tốt trong thời gian qua là tham gia đấu tranh cho chủ quyền biển đảo của nước ta, với kết quả là đã hạn chế được một số tạp chí quốc tế đăng bài của tác giả Trung Quốc kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò” phi lý; đã buộc Google phải hiệu chỉnh các bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo của VN đối với Trường Sa và Hoàng Sa... |
Đình Phú - Mai Phương
>> Gần 1.000 kiều bào dự hội nghị người VN ở nước ngoài
>> Kiều bào đầu tư và gửi về nước gần 20 tỉ USD/năm
>> Kiều bào ủng hộ quân dân Trường Sa
>> Mời kiều bào đăng ký dự "Xuân quê hương
>> Kiều hối gửi về nước chiếm gần 1/10 GDP
>> 9 tỉ USD kiều hối trong năm 2011
Bình luận (0)