Thu phí cảng biển tại TP.HCM sẽ được thực hiện thế nào?

Bích Ngân
Bích Ngân
10/12/2020 10:50 GMT+7

Việc thu phí cảng biển tại TP.HCM sẽ được áp dụng từ 1.7.2021. Vậy, việc thu phí được thực hiện thế nào?

Sáng 10.12, liên quan đến nghị quyết HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (gọi tắt là thu phí cảng biển), áp dụng từ ngày 1.7.2021, nguồn tin từ Hải quan TP.HCM cho biết, cơ quan này đã sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thực hiện việc thu phí này.

Xây dựng phần mềm quản lý thu phí

Sau khi nghị quyết nêu trên được HĐND TP.HCM thông qua, theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, việc triển khai đòi hỏi thực hiện một khối lượng công việc lớn; sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trong công tác thu, quản lý phí này, đặc biệt phải xây dựng được phần mềm “Hệ thống quản lý thu phí” đáp ứng yêu cầu công tác thu nộp phí sẽ được tự động hóa, hỗ trợ kiểm tra, đối soát việc chấp hành nộp phí, và không làm ảnh đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Dự kiến, Cơ quan Hải quan sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định để có thể đảm bảo phần mềm “Hệ thống quản lý thu phí” hoạt động trơn tru và dữ liệu thông suốt. Do đó, tới đây các bên liên quan của TP.HCM sẽ phải làm việc với Tổng cục Hải quan để có chủ trương hỗ trợ và thống nhất các phương án đấu nối kỹ thuật với các đơn vị đang vận hành hệ thống dữ liệu của Cơ quan Hải quan. Quá trình này đang khá phức tạp trong bối cảnh ngành Hải quan đang chuẩn bị xây dựng hệ thống CNTT mới hoàn toàn và sẽ bắt đầu khởi động trong năm 2021.
Nếu dữ liệu phần khai thông quan của Hải quan có sự thay đổi nhiều hoặc hỗ trợ hạn chế thì việc triển khai thu phí sẽ gặp khó khăn khi không thể đối soát được. Đó là chưa kể đến chưa có phương án kỹ thuật đảm bảo thu đối với các mặt hàng vận chuyển nội địa.
Theo đó, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container với container 40 ft và 2,2 triệu đồng với container 20 ft.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20 ft; 1 triệu đồng/container đối với container 40 ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20 ft; 500.000 đồng/container với container 40 ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Bên cạnh đó, các hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ được miễn phí.

Thu phí cảng biển tại TP.HCM “ra đời” thế nào?

Tại buổi làm việc vào ngày 14.11.2019 với ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thành ủy TP.HCM, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã phân tích và kiến nghị UBND TP.HCM áp dụng thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM. Trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu UBND TP.HCM lập tổ công tác, tìm hiểu kinh nghiệm Hải Phòng và sớm báo cáo HĐND TP.HCM về việc thu phí.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân, ngày 7.3.2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Với vai trò là đơn vị đề xuất, kiến nghị TP áp dụng phí hạ tầng cảng biển, Cục Hải quan TP.HCM đã cùng với các đơn vị khác trong Tổ công tác tham gia tích cực trong việc đóng góp ý kiến và học tập kinh nghiệm của TP.Hải Phòng để xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển TP trình UBND, Thành uỷ và HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp thứ 23.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.