Thủ tục chặt đến mức có tiền không tiêu được

26/07/2017 07:15 GMT+7

Hiện vẫn còn khoảng gần 60.000 tỉ đồng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ năm 2017 chưa giải ngân được.

Ngày 25.7, tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đứng đầu đã làm việc với lãnh đạo 13 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp, dưới 20%.
Hiện vẫn còn khoảng gần 60.000 tỉ đồng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ năm 2017 chưa giải ngân được.
Một trong những lý do đầu tiên được các bộ, ngành và địa phương kể đến là việc các quy định mới của luật Đầu tư công, luật Xây dựng quá chặt chẽ. Đại diện Bộ KH-ĐT kể, với dự án trụ sở Học viện Chính sách, từ tháng 10.2016 cơ quan này đã gửi bản vẽ thi công và dự toán qua Bộ Xây dựng để thẩm tra hồ sơ nhưng mất 2 tháng mới được trả lời. Đến khi thẩm định thì do pháp luật xây dựng thay đổi nên Bộ Xây dựng chuyển cho Sở Xây dựng, Sở trả lời chỉ cơ quan thẩm tra hồ sơ mới được thẩm định nên các giấy tờ này lại quay về Bộ.
“Đến tháng 6 chủ đầu tư mới có được kết quả thẩm định thiết kế và 10 ngày trước đây chúng tôi mới được duyệt dự toán, tức mất gần 9 tháng”, vị này nói.
Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bức xúc: “Đến bộ với bộ gần nhau thế mà mất 9 tháng thì dự án ở tỉnh gửi lên bộ chắc còn lâu hơn”. Còn đại diện tỉnh Tây Ninh thì nói thẳng: “Thủ tục, cơ chế mới siết chặt đến mức tiền không ra được”.
Cũng bức xúc vì các thủ tục mới của luật Đầu tư công và luật Xây dựng, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định: Các thủ tục mới có thể giúp tránh được 1 đồng thất thoát nhưng khiến cho giải ngân chậm thì mất 3 đồng lãng phí.
Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Dũng lý giải, việc chậm giải ngân sẽ khiến công trình chậm được đưa vào sử dụng, khi đó không chỉ người sử dụng thiệt mà nhà nước cũng mất tiền trả lãi vay, nhà thầu thì phải đi vay ngân hàng để xây dựng. Và hệ quả lớn nhất là tiền không vào sản xuất, nằm kẹt trong kho bạc.
“Một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng là giải ngân vốn chậm. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỉ đồng”, ông Dũng nhấn mạnh đồng thời thông báo yêu cầu phê bình của Thủ tướng tới các bộ, cơ quan, địa phương có vốn giải ngân chậm.
“Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng của 13 đơn vị hôm nay. Tháng 8 tới Thủ tướng cũng sẽ đích thân xuống kiểm tra các công trình dự án giải ngân chậm”, ông Dũng nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.