Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31.12.2017 là 78.466 tỉ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỉ đồng) so với thời điểm ngày 31.12.2016. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp khoảng 27.753 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo luật hầu hết là các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích, dự thảo luật không quy định khoanh nợ cho người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật.
Đối với thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tại kỳ họp trước các đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm công vụ của người có thẩm quyền, giao cho chính quyền địa phương, để tránh việc cơ quan thuế vừa đi thu vừa xoá nợ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo quy định: đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi, thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Đối với các trường hợp khác còn lại, mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỉ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Đồng thời, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều 85 luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng.
“Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định cụ thể trong luật có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỉ đồng trở lên”, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Bình luận (0)