Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để tư thương ép giá mặt hàng thiết yếu phục vụ công nhân

Sáng 30.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ 3.000 công nhân (CN) lao động thuộc 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Anh Vũ Duy Thơ, CN bảo trì máy tại Công ty TNHH Quadrille VN (KCN Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) là người mở đầu phần trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Anh Thơ nói, tiền lương tối thiểu của CN hiện nay còn thấp, lương tối thiểu cao nhất ở vùng 1 mới chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng; ở vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, CN chưa đủ mức sống tối thiểu. Chính phủ có những giải pháp gì để nâng cao tiền lương, thu nhập cho CN trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay đã có mặt bằng lương cơ bản phù hợp với mức sống cơ bản của người lao động.
“Lúc vừa bước vào hội trường, tôi có hỏi nhiều CN: “Các cháu lương bao nhiêu, thì nhận được câu trả lời mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng”. Tôi rất vui. Tuy vậy, chúng tôi hiểu mức sống như vậy của CN vẫn còn khó khăn. Vừa rồi Tổng Liên đoàn Lao động VN có đề nghị tăng lương tối thiểu lên 14%, nhưng cũng có nhiều ý kiến nói rằng tăng lương như vậy chưa hợp lý bởi vì tiền lương của người lao động phải phù hợp khu vực và quốc tế, đặc biệt là khu vực ASEAN. Sau khi cân nhắc, có ý kiến chỉ đề nghị tăng 6%; ý kiến khác đề nghị tăng 10%. Cuối cùng Hội đồng tiền lương quốc gia cùng các cơ quan chức năng thảo luận và thống nhất quyết định tăng lương tối thiểu lên 12% trong năm nay. Tôi cho rằng mức tăng như vậy là phù hợp, đáp đứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu và trả lời các câu hỏi của CN - Ảnh: Lê Lâm
Lương chưa tăng, giá đã nhảy múa
Anh Trịnh Anh Tuấn, Công ty Hài Mỹ (Bình Dương) hỏi: “Thưa Thủ tướng, một trong những nỗi lo của CN là khi lương tăng, giá cả thị trường cũng tăng theo. Chính phủ có biện pháp gì để giúp công nhân bớt khó khăn hơn khi giá cả tăng?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Trước hết, để đảm bảo mức sống của CN, Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn giá. Năm 2015, lạm phát chỉ ở mức 0,63%, tiền lương lương tăng 12%. Như vậy cơ bản đã giải quyết được khó khăn trước mắt cho CN. Nhà nước, các bộ, ngành, hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã đáp ứng tốt mọi nhu cầu thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… cho CN. Chính phủ kiên quyết không để tư thương tăng giá, kích giá, ép giá đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ công nhân cũng như người tiêu dùng. Hiện nay các tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức hệ thống bán lẻ rất tốt, cung ứng hàng hóa và bình ổn giá kịp thời, góp phần đảm bảo đời sống CN. Chính phủ ghi nhận điều này và cam kết sẽ tiếp tục có biện pháp cung ứng tốt hơn, bình ổn giá tốt hơn và có nhiều hệ thống bán lẻ hơn để đáp ứng tối đa nhu cầu của CN”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CN - ảnh: Lê Lâm
Thiếu nhà trẻ cho con em CN
Chị Trịnh Thị Mai Thanh, công nhân Công ty TNHH Giày Ching Luth VN (KCN Bến Lức - Long An) nêu lên bức xúc về việc gửi con ở nhà trẻ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù Chính phủ có nhiều quy định về vấn đề này nhưng nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt.
“Hôm nay tôi ghi nhận ý kiến này và yêu cầu các Khu Công nghiệp (KCN), đặc biệt là các tỉnh, thành trong cả nước cần phải đặt vấn đề xây dựng KCN đi liền với xây dựng các thiết chế văn hóa hóa, nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ CN. Chính Phủ đã ban hành nhiều chính sách về nhà ở xã hội, chính sách cho vay lãi suất thấp để xây dựng nhà trẻ trong các KCN. Mặt khác, tôi đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng trường học, đặc biệt là nhà trẻ cho con em CN. CN đã phải làm việc mệt mỏi cả ngày, còn phải tăng ca mà con em họ không có nơi gửi, phải thất học là điều không thể chấp nhận được”, Thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.