Thủ tướng yêu cầu TP.HCM xem xét về hệ số điều chỉnh giá đất

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/04/2019 02:15 GMT+7

Hôm qua (1.4), Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 của UBND TP.HCM mà Báo Thanh Niên từng phản ánh.

Chỉ đạo nêu rõ: Báo điện tử Thanh Niên ngày 6.3.2019 có nêu về việc phản đối tăng hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) quá cao của UBND TP.HCM khi đề xuất điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.
Về việc này, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ Tài chính có đề xuất hợp lý, bảo đảm theo quy định của pháp luật, không gây xáo trộn tâm lý người dân, doanh nghiệp khi điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.
Trước đó, UBND TP.HCM mới có tờ trình gửi HĐND TP.HCM điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP (hệ số K), với mức đề xuất tăng từ 19 đến 30,7% so với năm 2018.
Theo thống kê của Sở Tài chính TP.HCM, trong 2 năm gần đây, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP có xu hướng sụt giảm. Cụ thể năm 2017 thu ngân sách từ đất là 27.170 tỉ đồng, chiếm 11,75% trong tổng thu thì qua 2018 con số này chỉ còn khoảng 22.600 tỉ đồng, giảm khoảng 4.570 tỉ đồng, tương đương 2,43%. Xu hướng này đang được dự báo có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.
Nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế, nếu hệ số K tăng lên, không chỉ tiền sử dụng đất ngoài hạn mức mà người dân khi làm thủ tục liên quan đến nhà đất sẽ phải nộp thuế, phí nhiều hơn ĐÌNH PHÚ
Còn UBND TP.HCM thì cho rằng hiện giá đất để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư cao gấp 4,75 lần bảng giá đất năm 2018 mà TP quy định. Riêng giá chuyển nhượng theo kê khai để đóng lệ phí trước bạ từ các hợp đồng chuyển nhượng của người dân cao hơn 3 lần so với bảng giá đất. Giá đất chuyển nhượng trên thị trường hiện cao hơn từ 4 đến 6 lần so với bảng giá đất. Đây là các căn cứ quan trọng để UBND TP.HCM xem xét, quyết định trình HĐND TP.HCM tăng hệ số K so với năm 2018. 
Theo UBND TP.HCM, sau khi tổng hợp ý kiến các quận huyện, sở ngành và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thì hầu hết các đơn vị đều thống nhất với đề xuất điều chỉnh hệ số K. Do vậy việc điều chỉnh hệ số K cho phù hợp thực tế là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế, nếu hệ số K tăng lên, không chỉ tiền sử dụng đất ngoài hạn mức mà người dân khi làm thủ tục liên quan đến nhà đất sẽ phải nộp thuế, phí nhiều hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.