Dự luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về bội chi để phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch...
Đây là thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho biết tại phiên họp chiều qua (8.4) của Ủy ban Thường vụ QH. Dự luật đồng thời cũng quy định rõ về điều kiện được vay. Theo đó chỉ những địa phương thu vượt dự toán năm trước và có khả năng trả nợ mới được phép bội chi ngân sách địa phương.
Theo ông Hiển, dự luật quy định bội chi ngân sách trung ương (NST.Ư) được xác định bằng chênh lệnh giữa tổng chi NST.Ư và tổng thu NST.Ư. Đồng thời, để đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách lành mạnh, đã bổ sung quy định bội chi NST.Ư và bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước (phần chênh lệch giữa số vay trừ đi chi trả nợ gốc) và quy định rõ nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được xác định trên cơ sở vay trong nước, bao gồm cả từ nguồn công trái, trái phiếu chính phủ... và vay nước ngoài, bao gồm cả phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
Liên quan đến phân cấp nhiệm vụ chi giữa NST.Ư và NSĐP, ông Hiển cho biết theo quy định hiện hành không có sự phân định nhiệm vụ chi mà tất cả các nhiệm vụ phát triển KT-XH do NST.Ư và NSĐP cùng tham gia đóng góp. Để phân định rõ nhiệm vụ “chi quốc gia”, Ủy ban TVQH đề nghị bổ sung quy định NST.Ư bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao; vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ cho sự phát triển KT-XH có tính liên vùng, khu vực và chi hoàn thuế. NSĐP vẫn có khoản chi an ninh, quốc phòng, đối ngoại phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế trên cơ sở phân cấp cho địa phương theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao chất lượng dự toán NSNN và theo kinh nghiệm quốc tế, dự luật quy định mức dự phòng ngân sách từ 1 - 3%, thay vì từ 2 - 5% như dự luật đã trình QH. Liên quan đến đề nghị bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH cho biết việc quyết định các vấn đề về ngân sách là thuộc thẩm quyền của tập thể chính phủ, không phải là của cá nhân Thủ tướng. Vì vậy dự luật đã sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, nhưng chỉ thực hiện khi được Chính phủ ủy quyền.
Đề xuất mô hình “chính quyền cảng”
Hôm qua (8.4) Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề xuất quy định mô hình “chính quyền cảng” nhằm tạo đột phá trong đầu tư, kinh doanh và quản lý cảng. Đề xuất được đưa ra tại phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hàng hải VN. Theo đó, “chính quyền cảng” có chức năng điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển.
Tuy nhiên hầu hết các thành viên UBTVQH đều bày tỏ băn khoăn về tên gọi cũng như mô hình hoạt động, tổ chức của “chính quyền cảng”. Việc sử dụng thuật ngữ “chính quyền cảng” là không ổn và dễ gây nhầm lẫn với khái niệm chính quyền T.Ư, chính quyền địa phương. Các thành viên UBTVQH cũng đặt vấn đề về việc mối liên hệ giữa “chính quyền cảng” với cảng vụ, Bộ chủ quản và chính quyền địa phương... Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hầu hết các nước đều sử dụng mô hình này tuy nhiên “chính quyền cảng” không nằm trong hệ thống chính quyền nói chung mà chỉ mang tính chất quản lý thống nhất về đầu tư kinh doanh, khai thác cảng biển.
Trường Sơn
|
Bình luận (0)