Thừa phát lại, 113 của dân sự

02/08/2010 01:17 GMT+7

Đó là đúc kết chung của nhiều người sau gần 2 tháng thừa phát lại (TPL) xuất hiện ở TP.HCM.

1.001 chuyện gõ cửa văn phòng TPL

Trước đây những vấn đề rắc rối, tranh chấp phát sinh hằng ngày trong cuộc sống, người dân quen gõ cửa công an, chính quyền, công chứng... nhưng kết quả nhiều khi không như mong muốn. Kể từ khi TPL xuất hiện, tất cả những công việc thuộc loại này đều trở nên dễ dàng.

Theo chân một TPL, chúng tôi tìm đến H.Hóc Môn để tiếp cận một trường hợp - cũng là công việc hằng ngày của TPL. Tiếp chúng tôi, chủ nhân của một căn nhà chỉ vào bốn bức tường trống hoác nói: “Nhà tui mới mua bây giờ nó vậy đó, không còn nhận ra nó nữa”. Căn nhà mà chị nói, thật ra chỉ là 4 bức tường, không cửa, không mái; phần phía sau được ngăn cách với phần trước là một khoảng sân trông cũng không khá hơn, cửa bị bẻ khóa, một số vật liệu dính vào tường đã bị tháo dỡ để lại những lỗ thủng lớn. Theo gia chủ, sau khi thanh toán hết tiền, ký biên bản nhận nhà xong, chị chưa kịp dọn về ở thì xảy ra chuyện. Nghe hàng xóm nói lại, chị nghi ngờ đó là do phía người chủ cũ tháo dỡ, chị báo công an phường xuống ghi nhận việc tài sản của mình bị hủy hoại và xử lý. Chờ mãi vẫn chưa giải quyết xong, chị quyết định gõ cửa TPL. “Anh lập cho tôi cái vi bằng để có gì sau này công an không xử lý rốt ráo tôi còn có cái kiện họ (người bán) ra tòa. Chứ bây giờ sửa nhà thì mất hết dấu, mà không sửa thì không có chỗ ở; chưa kể cứ để vầy hoài thành nhà hoang mất”, chị này phân trần. Theo yêu cầu của chị, TPL quận Tân Bình đã chụp hình cận cảnh những chỗ bị phá, bị tháo dỡ, ghi nhận thực tế vào một tờ giấy để làm bằng chứng với tiêu đề “vi bằng”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính: "Vi bằng là văn bản do TPL lập ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Việc lập vi bằng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật, không được xâm phạm đời tư, đạo đức xã hội, không trái quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ sau khi đã đăng ký với Sở Tư pháp. Nếu có khiếu nại, tranh chấp về vi bằng thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa".

Nói đến chuyện lập vi bằng thì có lẽ những người làm công việc TPL phải ngồi kể hết ngày này qua ngày khác. Tuy chỉ mới hoạt động khoảng 2 tháng nhưng xem ra loại việc này rất phong phú. Chẳng hạn, giao thông báo đòi nhà; ghi nhận xây nhà bị lún, nứt; hai vợ chồng ly hôn, chị vợ muốn giao con cho nhà chồng nuôi, mẹ chồng “a lô” TPL lập cho cái vi bằng, để mai mốt họ không nói ông bà bắt cháu, ông Nguyễn Năng Quang, TPL quận Tân Bình kể. 

Ông Phạm Quang Giang, TPL quận 5 kể, người dân nhờ TPL lập vi bằng chuyện thanh toán tiền, xác nhận công nợ giữa đôi bên rất nhiều. “Tất nhiên, khi cho vay đôi bên có thể đã lập giấy tay nhưng nếu khởi kiện ra tòa mà bên vay chối thì lại phải đi giám định chữ ký, như thế sẽ rất mất thời gian. Có vi bằng ghi nhận nợ giữa đôi bên người dân không phải giám định sau này vì bản thân vi bằng đã có giá trị chứng cứ, không cần chứng minh. Thậm chí có anh thuê nhà, bị chủ nhà khóa cửa không vào được cũng “a lô”  TPL “chụp cho tôi tấm hình kèm chữ ký của ông để làm bằng” hay nhà hàng xóm xây, sợ nhà mình hư hỏng kêu TPL xuống ghi nhận thực tế trước khi hàng xóm khởi công để có gì còn kiện; hoặc mua bán nhà chưa có sổ hồng, công chứng “chào thua” thì đã có TPL ghi nhận có giao nhận tiền mua nhà”, ông Giang chia sẻ.

Giải quyết nhiều vướng mắc cho dân

Hoạt động của TPL rất rộng (xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án, tống đạt văn bản của tòa...) nhưng từ khi được thành lập đến nay thì lập vi bằng là hoạt động xôm tụ và hiệu quả nhất. Do đây là một hoạt động khá mới mẻ nên vẫn chưa hoàn thiện, tuy nhiên hiệu quả mang đến cho người dân là có thật.

Mới đây có một trường hợp bên A mua nhà của bên B, nhưng căn nhà này trước đây có thế chấp cho ngân hàng. Hai bên thỏa thuận trách nhiệm của bên B là đến công chứng ký bán nhà sẽ nhận đủ tiền, còn công đoạn sau đó bên A tự lo. Khi bên A đi sang tên sổ hồng cho mình thì bị vướng, Phòng tài nguyên - môi trường quận yêu cầu phải có văn bản giải chấp. Văn bản này đã nộp ở công chứng, mà bên B thì đã dọn đi chỗ khác. Bên A đến ngân hàng xin xác nhận thì ngân hàng không cấp bởi người vay là bên B. “Sau đó, bên A nhờ chúng tôi đến ngân hàng lập vi bằng đã giải chấp nhà cho bên B. Bên A cầm vi bằng này đến Phòng tài nguyên - môi trường xin sang tên và đã được chấp nhận”, ông Nguyễn Năng Quang kể.

Không chỉ có trường hợp kể trên, một số trường hợp khác cũng thu được kết quả khả quan khi tiếp cận hoạt động của TPL như trường hợp ở Q.8, hai người ký hợp đồng bán với nhau căn nhà, mua bán công chứng, giao nhà xong nhưng bên mua không chịu thanh toán tiếp số tiền còn lại là 200 triệu đồng vì yêu cầu bên bán phải giao bản vẽ thiết kế. Không biết tìm đâu ra bản vẽ này, lúng túng người bán nhờ đại TPL. Vậy mà lại hiệu quả. Bà Vũ Thị Trường Hạnh, TPL quận 8 chia sẻ: “Khi TPL xuống lập vi bằng bên bán chưa nhận đủ tiền, bên mua xác nhận còn thiếu, kèm theo đó chúng tôi cũng giải thích cho bên mua hiểu nhà đã hoàn công thì không cần bản vẽ thiết kế vẫn tiến hành các thủ tục khác được. Bên mua hiểu chuyện, ngay trong ngày trả hết tiền mua nhà còn thiếu”.

Hiện nay, phí lập vi bằng chưa có quy định chung của Nhà nước nên mỗi văn phòng thu phí một kiểu, có văn phòng thu theo biểu phí công chứng 0,1% nếu vụ việc có giá trị dưới 1 tỉ đồng và 0,07% nếu trên 1 tỉ; có nơi lại thu theo khoảng cách xa gần trung bình từ 2 đến 5 triệu đồng. Một số người dân khi được hỏi than: “Mặt bằng phí này thì hơi cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân, trong khi lập vi bằng thì muôn trùng, chuyện gì cũng có thể nhờ TPL”.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.