Thúc đẩy hòa bình và an ninh trên biển Đông

20/07/2010 00:26 GMT+7

Hôm qua 19.7, các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM 43) và các hội nghị liên quan đã diễn ra tại Hà Nội với hai sự kiện quan trọng.

Hai sự kiện này bao gồm Hội nghị Hội đồng chính trị và an ninh ASEAN (APSC) lần thứ 4 và Hội nghị Ủy ban về Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Tại APSC 4, các ngoại trưởng ASEAN đã ghi nhận những tiến triển mới đáng chú ý như việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+) trong năm 2010, việc tổ chức họp Nhóm công tác chung về DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, các hoạt động trong khuôn khổ AICHR, TAC, hợp tác về cứu trợ thiên tai...

Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy và phát huy vai trò của các công cụ đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực của ASEAN như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, Diễn đàn ARF... Theo đó, ASEAN cần triển khai xây dựng các chương trình và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn ARF; thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); nỗ lực hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc ký nghị định thư thứ 3 của TAC tạo điều kiện để EU/EC có thể tham gia hiệp ước này...

Tại APSC 4, VN đã đưa các sáng kiến như ra Tuyên bố về hợp tác nằm trong việc cứu trợ nhân đạo đối với người và thuyền gặp nạn trên biển, và đề xuất tổ chức một cơ chế họp những người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa các nước ASEAN (MACHO). Các bộ trưởng ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến này.

DOC là văn kiện cam kết đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết và việc tuân thủ DOC đã được khẳng định lại ở cấp cao của cả hai bên. Để đảm bảo tuân thủ DOC, hai bên đã có cơ chế đối thoại quan chức cấp cao SOM ASEAN - Trung Quốc về DOC tách riêng khỏi các SOM khác.

Việc thực hiện DOC cũng là 1 trong 14 ưu tiên của kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN. Ngoài việc thực hiện DOC, ASEAN và các đối tác cũng sẽ thúc đẩy việc thực hiện đảm bảo hòa bình, an ninh trên biển Đông, hợp tác giữa các bên, đảm bảo an toàn hàng hải.

Khuyến khích Mỹ và Nga tham gia sâu hơn

Vai trò trung tâm của ASEAN hiện cũng là vấn đề thời sự của ASEAN hiện nay. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 diễn ra tại Hà Nội hồi 4.2010, nguyên tắc đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN đã được các lãnh đạo cấp cao của ASEAN thống nhất.

Theo Tổng thư ký ASEAN, TS Surin Pitsuwan, thế giới đang chờ đợi ASEAN sẽ đóng vai trò là trung tâm của sự phát triển trong việc xây dựng cộng đồng ở Đông Á.

Cũng theo TS Surin Pitsuwan, một trong những vấn đề có thể được đưa ra tại AMM và ARF đó là tìm cơ chế khuyến khích Mỹ và Nga tham gia sâu hơn vào thể thức khu vực. Theo ông Pitsuwan cả Nga và Mỹ đều đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Mặc dù đều là thành viên đối thoại đầy đủ của ASEAN nhưng hiện tại cả Nga và Mỹ đều chưa có cơ chế tham gia cơ chế đối thoại và hợp tác các vấn đề chiến lược của khu vực là Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS).

Hãng tin AFP dẫn bình luận của một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho rằng ASEAN đang hy vọng đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Nga khi mà ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự của hai cường quốc này đang tăng lên trong khu vực. Trả lời AFP, nhà ngoại giao này cho rằng việc tham gia của Mỹ và Nga sẽ mang lại sự cân bằng cho khu vực.

Tại Hội nghị Ủy ban về Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các bộ trưởng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ, trong đó có việc tích cực tham vấn và thúc đẩy sự ủng hộ của các quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với hiệp ước này. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington hồi tháng 4.2010 và Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân tháng 5.2010, các bộ trưởng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương về các vấn đề liên quan đến ASEAN và SEANWFZ. Hội nghị đã bầu Indonesia làm Chủ tịch Ủy ban SEANWFZ kể từ tháng 1.2011.

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.