Thủy điện A Vương xả lũ quá cấp tập

16/10/2009 23:53 GMT+7

Hôm qua 16.10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư đến kiểm tra việc vận hành và xả lũ của Nhà máy thủy điện A Vương.

Đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCLB (Bộ NN - PTNT) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh và các ban ngành của Quảng Nam, Công ty CP thủy điện A Vương (gọi tắt là Công ty A Vương). Trong trận bão lũ vừa qua, thiệt hại về vật chất của tỉnh Quảng Nam lên đến 3.500 tỉ đồng...

Phó chủ tịch tỉnh xin, công ty vẫn xả lũ

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, lãnh đạo Công ty A Vương khẳng định đơn vị xả lũ đúng quy trình. Cụ thể, ngày 29.9 lưu lượng nước đổ về hồ quá lớn (từ 2.500 - 3.000 m3/giây), có khả năng vượt mức 380m. Để đảm bảo an toàn đập, lúc 12 giờ cùng ngày, công ty đã thông báo với Ban chỉ đạo PCLB Quảng Nam và xin xả lũ.  Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT công ty, nói: “Việc xả lũ như vậy là đúng với quy trình vận hành hồ chứa A Vương do Bộ Công thương ban hành”.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB Quảng Nam, cho rằng: “Không phải một mình thủy điện A Vương là có thể gây ra lũ lớn, nhưng chính việc xả lũ của công ty tại thời điểm nhạy cảm đã khiến giọt nước tràn ly. Nước từ A Vương sầm sập đổ về nhấn chìm vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn. Hàng nghìn người dân phải chới với trong lũ lớn”. Ông Phạm Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Quảng Nam, bức xúc: “Theo quy trình vận hành hồ chứa A Vương do Bộ Công thương ban hành thì trước khi xả lũ, công ty phải thông báo cho tỉnh trước 6 giờ để triển khai sơ tán dân, chủ động phòng tránh lũ. Điều này đã không được công ty thực hiện”. Cụ thể lúc 12 giờ ngày 29.9, trong lúc bão đang đổ bộ vào Quảng Nam, Công ty A Vương thông báo với tỉnh và chỉ đúng 1 giờ sau đã cho mở tràn với lưu lượng 1.000 m3/giây. Đến 16 giờ cùng ngày, công ty tăng lưu lượng xả lên gần 3.000 m3/giây. Tổng lượng nước xả lũ của hồ chứa thủy điện A Vương tính từ 13 giờ 29.9 đến ngày 1.10 là hơn 149 triệu m3.

Cả tỉnh Quảng Nam có 57 dự án thủy điện với tổng công suất phát điện hơn 1.600 MW; trong đó có 10 dự án thủy điện lớn trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn. Cả tỉnh có 73 hồ chứa lớn nhỏ nằm ở địa bàn miền núi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy điện, tổng sức chứa hơn 500 triệu m3. Đây là những “túi nước khổng lồ" treo lơ lửng trên đầu người dân Quảng Nam. Nếu không quản lý, vận hành tốt sẽ rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng hàng trăm nghìn người dân.
Đáng lưu ý, tại buổi làm việc, chính một cán bộ công ty cho biết vào thời điểm đang xả lũ, ông Lê Phước Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đang có mặt tại H.Đại Lộc để chỉ đạo nhân dân phòng chống lũ, đã điện thoại khẩn thiết lên công ty đề nghị cắt lũ để cứu 4.000 người dân dọc sông Vu Gia. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được đáp ứng. Và lũ vẫn được xả khiến vùng hạ lưu ngập nhanh hơn, nặng hơn.

Sẽ tham vấn chuyên gia

Báo cáo tại cuộc họp với đoàn kiểm tra, Ban chỉ đạo PCLB Quảng Nam khẳng định: Việc xả lũ hồ chứa thủy điện A Vương từ ngày 29 - 30.9 là nguyên nhân chính góp phần gây ngập trên diện rộng và thiệt hại lớn tại các địa phương vùng hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Việc xả lũ của hồ chứa A Vương đã bộc lộ những bất cập mà như báo cáo đánh giá của Ban PCLB tỉnh là: “Thủy điện A Vương nói riêng chỉ chú trọng đến hiệu quả phát điện, an toàn công trình. Chưa hề quan tâm đến vấn đề ngập lụt ở vùng hạ lưu. Đây là vấn đề tồn tại cơ bản nhất...”. Cũng theo Ban PCLB tỉnh Quảng Nam: “Trong đợt lũ vừa qua, nếu đơn vị quản lý vận hành hồ linh hoạt cho xả lũ ngày 28 đến sáng ngày 29.9 thì hồ sẽ có dung tích chứa phòng lũ khoảng 60 triệu m3, hạn chế đáng kể ngập lụt cho vùng hạ lưu...”.

Theo ông Trần Quang Hoài, thời gian thông báo xả lũ của công ty đối với địa phương là quá cấp tập, không đảm bảo cho việc phòng tránh lũ. Nếu công ty tạm giữ lại 18 triệu m3 nước trong lòng hồ chắc chắn sẽ giảm ngập cho hạ lưu phần nào và sự thiệt hại sẽ giảm đáng kể. 

Ông Hoài cũng nhấn mạnh, đoàn kiểm tra cho biết sẽ kiến nghị, đề xuất xây dựng quy trình vận hành liên hồ để cắt lũ hạ lưu. Điều này là rất cần thiết, bởi ngoài A Vương, Quảng Nam còn có đến 3 công trình thủy điện lớn là Sông Bung 4, Đăk My 4 và Sông Tranh 2. Nếu cả 4 công trình này cùng xả lũ thì hậu quả mà người dân Quảng Nam gánh chịu sẽ khôn lường. Mặt khác, từ báo cáo của tỉnh Quảng Nam, các đơn vị liên quan và Công ty CP thủy điện A Vương, đoàn kiểm tra sẽ tập hợp và trình Ban chỉ đạo PCLB T.Ư để tham vấn các chuyên gia, nhằm sớm giải đáp những bức xúc của dư luận liên quan đến việc xả lũ của thủy điện A Vương trong cơn bão số 9 vừa qua.

Hồ Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.