Theo Bộ NN-PTNT, 10 năm qua, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến cực kỳ phức tạp, bất thường; lượng mưa ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên rất lớn, có nơi như Huế đạt tới 2.288 mm (1999) và trải đều trên diện rộng khắp từ Quảng Bình - Quảng Ngãi từ 500 - 1.000 mm (1999). Bão mạnh hơn, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
10 năm qua, theo thống kê đã có 1.785 người chết và mất tích, hàng ngàn người bị thương do bão, lũ gây ra tại miền Trung - Tây Nguyên (trận lũ lịch sử năm 1999 đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng). Tổng thiệt hại kinh tế trên 64.500 tỉ đồng. Riêng hai trận bão, lũ xảy ra trong năm 2009 (bão số 9 và số 11) đã làm 298 người chết và mất tích; hơn 770 người bị thương; hơn 23.000 ngôi nhà bị sập, trôi; hơn 300 ngàn nhà bị ngập nước... Thiệt hại kinh tế trên 19.000 tỉ đồng.
Năm 2009, Bộ NN-PTNT cho rằng công tác phòng chống bão bước đầu đạt được hiệu quả khi số thương vong do bão gây ra không nhiều. Tuy nhiên, thiệt hại nhân mạng tăng cao là do lũ lớn, bất thường.
Bộ NN-PTNT cũng đã tổng hợp một loạt các nguyên nhân gây lũ lớn. Đó là do hai cơn bão số 9, số 11 gây mưa to đến rất to trên diện rộng từ Thừa Thiên - Huế - Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên (trung bình từ 400 - 600 mm, có nơi như Quảng Ngãi 915 mm); nhiều tuyến giao thông cắt ngang đường thoát lũ, nhưng không mở rộng khẩu độ thoát lũ ở các cầu; nhiều thành phố san lấp vùng trũng để xây dựng công trình, lấn chiếm hành lang thoát lũ; bão lũ xảy ra vào đúng kỳ triều cao dẫn đến việc thoát lũ ở các sông ra biển rất chậm...
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cũng nêu nguyên nhân gây lũ do mất rừng đầu nguồn từ xây dựng các hồ chứa nước. Theo đó, việc xây dựng các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên (hơn 106 hồ với tổng dung tích 8,82 tỉ mét khối) đã gây ngập hàng chục ngàn hécta diện tích rừng, chưa kể hàng chục ngàn héc-ta rừng bị triệt hạ để xây dựng hành lang lưới điện.
Việc xây dựng các hồ chứa nước cũng làm mất đi hàng chục ngàn héc-ta thung lũng - là nơi tập trung nước và giữ nước mưa tạm thời của lưu vực trước khi chảy ra sông, có tác dụng điều tiết làm chậm lũ trên sông chính. Do đó, đã tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ chảy truyền trên lưu vực gây cường suất lũ lên lớn và đỉnh lũ cao.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, việc phát triển ào ạt các thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên góp phần cung cấp bổ sung năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội; nhưng các hồ chỉ xây dựng quy trình vận hành độc lập để đảm bảo nước phát điện và an toàn đập. Khi có lũ về, tất cả các hồ đều xả đồng thời trên lưu vực sông nên lũ lên nhanh và lên cao, gây khó khăn cho công tác chống lũ. Bộ NN-PTNT kiến nghị: "Nếu có quy trình vận hành liên hồ và công tác dự báo lũ tốt, chúng ta có thể điều tiết giảm một phần lũ về hạ du, giảm căng thẳng ngập lụt cho các khu dân cư ven một số sông".
Bộ NN-PTNT đưa ra 8 giải pháp cần triển khai sớm để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai như: chấm dứt tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn; tăng cường và nâng cao công tác dự báo bão, lũ; sắp xếp dân cư vùng trũng thấp; mở rộng khẩu độ thoát lũ trên các tuyến đường; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa theo phương án liên hồ để tham gia điều tiết lũ; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai; bổ sung phương tiện, trang thiết bị, củng cố lực lượng tìm kiếm cứu nạn; điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phòng chống lũ cho các sông miền Trung, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển...
Những trận bão lớn ở miền Trung - Năm 1964, hai trận bão Iris và Joan đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên khiến 7.000 người thiệt mạng. - Năm 1985, bão Cecil làm 800 người chết ở vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế). - Năm 1989, ba trận bão đổ vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh làm 484 người chết. - Năm 1996, có 4 cơn bão và 14 trận lũ ập xuống miền Trung làm 1.028 người chết. - Năm 1997, bão lũ gây thiệt hại nặng nề, làm hơn 3.000 người dân miền Trung thiệt mạng... |
Hữu Trà
Bình luận (0)