Tiếc thương một nhân cách giản dị

Trung Hiếu
Trung Hiếu
18/03/2018 06:50 GMT+7

Ngày 17.3, sau khi nghe tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, đông đảo bạn bè, người dân đã đến viếng ông tại tư gia ở xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi (TP.HCM) trong niềm tiếc thương vô hạn.

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước... trong ngày hôm qua cũng đã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Luôn dặn phải sống xứng đáng
Dẫn đầu đoàn của Đại học Quốc gia TP.HCM đến viếng nguyên Thủ tướng, Giám đốc ĐH Quốc gia Huỳnh Thành Đạt xúc động cho biết đối với ĐH Quốc gia TP, ông Sáu như một người cha, người đồng chí, người anh thân thiết. Theo ông Đạt, nguyên Thủ tướng là người ban hành nhiều văn bản quan trọng, nghị định, quy chế về ĐH Quốc gia TP. Đặc biệt, ông là Chủ tịch danh dự của Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP và giúp quỹ phát triển rất tốt trong thời gian qua. "Bác căn dặn ĐH Quốc gia phải nỗ lực nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng và xã hội. Chúng tôi rất đau buồn. Cán bộ, giáo viên, sinh viên nguyện nỗ lực xây dựng ĐH Quốc gia ngày càng lớn mạnh như lúc sinh thời bác Sáu đã dặn dò", ông Đạt xúc động nói.
Đông đảo người dân đến viếng
Đến viếng nguyên Thủ tướng, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, bày tỏ “sự may mắn” khi có 8 năm làm thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. “Đó là người rất sâu sắc, giản dị, làm việc tận tụy, có trí nhớ tốt và rất có năng lực. Ông duy trì ban nghiên cứu gồm các chuyên gia và trí thức hàng đầu của đất nước trong suốt thời gian ông làm việc và thường xuyên lắng nghe. Có chủ trương, chính sách gì mới là ông đưa qua ban nghiên cứu lấy ý kiến, từ đó chấn chỉnh và có những quyết sách hợp lý", ông Nghĩa nói.
Có mặt trong đoàn đi viếng của Trường mẫu giáo Bông Sen 2 (Củ Chi), bà Nguyễn Thị Bước, nguyên Hiệu trưởng trường, nói chính nhờ sự động viên và giúp đỡ của nguyên Thủ tướng mà Trường mẫu giáo Bông Sen 2 là trường đầu tiên ở Củ Chi xây dựng mô hình bán trú và là đơn vị đạt Anh hùng lao động. "Anh Hai (bà Bước gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - PV) hay nói, trong chiến tranh Củ Chi là nơi đầu sóng ngọn gió, nhân dân đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Bộ đội có công đánh giặc thì chúng ta phải nỗ lực giữ gìn và xây dựng đất nước. Chúng tôi nguyện luôn làm tốt những gì mà anh đã nhắc nhở. Đó cũng là động lực để Trường mẫu giáo Bông Sen 2 giờ là Trường mẫu giáo Tân Thông Hội 2 luôn luôn chăm sóc và nuôi dưỡng tốt các cháu, được người dân tin tưởng", bà Bước bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng ban Quản lý di tích đình Tân Thông (Củ Chi), bật khóc khi đến viếng
Một người nghĩa tình
Ông Nguyễn Văn Khỏe (76 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội) chia sẻ từ cả chục năm nay, sáng sáng nguyên Thủ tướng đều ra đình gần nhà uống cà phê cùng bà con lối xóm. “Thời gian gần đây, sức khỏe yếu, muốn ra chỗ cà phê phải có người phụ giúp nhưng ít khi ông Sáu vắng mặt. Ra đó, ông hay trò chuyện vui vẻ, thăm hỏi mọi người”, ông Khỏe kể, rồi giọng chùng xuống: "Nhưng dạo này bác vắng “cà phê sáng” do nằm viện điều trị. Chúng tôi nhớ bác ấy lắm. Nay nghe tin bác qua đời, tôi đến chia tay bác lần cuối”.
Ông Phan Văn Phùng (62 tuổi, nhà ở cạnh và gọi ông Phan Văn Khải bằng chú) cho biết khi còn khỏe ngày nào hai chú cháu cũng gặp nhau. “Chú sống hòa đồng với bà con, trong xóm có việc vui buồn gì thì ông đều có mặt nên được mọi người rất quý mến. Đặc biệt, chú rất quan tâm, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục ở địa phương”, ông Phùng nói.
Đông đảo người dân đến viếng
Còn ông Lương Văn Ron (86 tuổi, nhà ở xã Tân Phú Trung), bạn từ thuở nhỏ của nguyên Thủ tướng, lại nhớ về người bạn thân sống rất nghĩa tình với bạn bè. “Dù giữ cương vị công tác cao nhưng chưa bao giờ ông nề hà hay sống xa cách bạn bè. Cho nên, khi nghe tin ông mất, dù sức yếu tôi cũng phải tới viếng bạn”, ông Ron xúc động.
Đến khuya qua, dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn dài mãi không thôi.
“Anh luôn thương các em”
Bà Huỳnh Thị Dự (70 tuổi, người em thứ 7 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, họ Huỳnh lấy theo họ người cha dượng) nhớ về kỷ niệm với người anh trai đáng kính trong nước mắt: “Anh Khải rất quý trọng mẹ và thương các em”.
"Những ngày anh nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đến thăm hằng ngày. Khi anh sang Singapore điều trị, tôi có sang đó thăm nhưng anh không nói được gì. Tôi chỉ nắm được tay và hỏi qua bên đây điều trị sức khỏe tốt hơn không? Anh gật đầu. Cái gật đầu của anh là để tôi an tâm chứ thực sự tôi thấy hai hàng nước mắt của anh đang đau đớn và có suy nghĩ là anh đi điều trị, em út phải đi xa thăm anh", bà Dự xúc động nói và kể lại khi bà 20 tuổi lần đầu tiên mới được gặp anh trai mình do hoàn cảnh chiến tranh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.