Tiền Giang: Không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, hàng nghìn xe 'đứng bánh' trên cao tốc

08/07/2021 15:40 GMT+7

Nhiều tài xế không có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR nên hàng nghìn phương tiện 'đứng bánh' trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương hàng giờ liền.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng sớm ngày 8.7, tại khu vực chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Tiền Giang, đặt tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang), hàng trăm phương tiện từ TP.HCM về phải xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát dịch.
Tuy vậy, hầu hết tài xế không được phép qua chốt kiểm soát vì không xuất trình được chứng nhận âm tính với Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn 3 ngày.

TP.HCM tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19

Có giấy chứng nhận test nhanh âm tính với Covid-19 vẫn không được qua chốt

Các tài xế điều khiển xe chỉ “quá giang” qua địa bàn Tiền Giang để về các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, cam kết không dừng, ghé trên địa bàn tỉnh Tiền Giang… không bị yêu cầu chứng nhận âm tính với Covid-19 bằng xét nghiệm RT-PCR như các tài xế về tỉnh Tiền Giang.
Song, do các xe của tài xế về Tiền Giang chắn lối, nên nhiều xe phải “đứng bánh” chờ đến lượt qua chốt. Việc quay đầu xe trở lại TP.HCM cũng khó có thể thực hiện được các phương tiện đang trên đường cao tốc và lượng phương tiện đông nghẹt.
Quá sốt ruột do sự bất tiện tại chốt kiểm dịch Thân Cửu Nghĩa, một số tài xế... năn nỉ rồi cự cãi với các thành viên ở chốt kiểm soát dịch nhưng đều không có hiệu quả. Các thành viên tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 này rất cương quyết và giải thích rằng không thể làm trái "lệnh" của UBND tỉnh Tiền Giang tại Công văn 3421/UBND-KGVX.
Những tài xế có giấy kiểm tra nhanh âm tính với Covid-19 và trong thời hạn 3 ngày cũng không được giải quyết cho qua chốt.

Hàng nghìn phương tiện xếp dài trên cao tốc hướng từ TP.HCM về Trung Lương vì không được phép qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 Thân Cửu Nghĩa

ẢNH: LÊ LANG

Theo nội dung Công văn 3421/UBND- KGVX của UBND tỉnh Tiền Giang, từ 00 giờ ngày 7.7, người từ các địa phương ngoài tỉnh đến địa bàn tỉnh Tiền Giang hoặc người Tiền Giang đi các địa phương ngoài tỉnh quay về Tiền Giang phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR âm tính với Covid-19 còn thời hạn không quá 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Giấy xét nghiệm PCR được sử dụng phải do cơ quan y tế của địa phương mà người đó cư trú hoặc nơi người đó đến làm việc, mua bán… trước khi đến địa bàn tỉnh Tiền Giang cấp.

Người muốn vào TP.HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Lập thêm chốt, kiểm soát tối đa phương tiện 

Trước tình hình nhiều phương tiện ùn ứ, chốt kiểm soát ở trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa và một số chốt khác như cầu Mỹ Lợi (nối Long An - Tiền Giang)… đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang.
Trưa 8.7, ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ký ban hành Công văn 3490/UBND-KGVX tiếp tục chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch phải cương quyết thực hiện nghiêm theo chỉ đạo tại Công văn số 3421/UBND- KGVX của UBND tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cấp huyện phải lập thêm chốt để có thể kiểm soát tối đa các phương tiện không đủ điều kiện phòng Covid-19 vào tỉnh Tiền Giang.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại trạm Thân Cửu Nghĩa đã rất cương quyết nhưng vì lượng phương tiện quá đông nên phải xả trạm cho qua.

ẢNH: LÊ LANG

Đến khoảng 11 giờ trưa nay (8.7), lượng phương tiện ùn tắc nghiêm trọng nối dài trên 5 km trên cao tốc hướng từ TP.HCM về Tiền Giang nên trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 Thân Cửu Nghĩa buộc phải xả trạm để giải phóng phương tiện. Sau hơn 1 giờ xả trạm, lực lượng kiểm soát phòng chống dịch tiếp tục làm việc và giao thông tiếp tục ùn tắc và nối dài trên cao tốc.
Một diễn biến khác liên quan đến giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR, một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang (nơi duy nhất tại Tiền Giang có trang bị máy xét nghiệm Realtime RT-PCR  - PV) cho biết bệnh viện chỉ có 1 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR với công suất khoảng 500 mẫu bệnh phẩm/ngày nên bệnh viện không thể xét nghiệm cho người dân theo yêu cầu. Bởi, hiện nay 40 ổ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có hơn 300 ca dương tính, số trường hợp F1, F2… đã lên đến hàng chục nghìn người.
“Hiện nay lượng mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch gửi về đã quá tải so với công suất tối đa của máy Realtime RT-PCR được trang bị tại bệnh viện nên bệnh viện không thể tiếp nhận xét nghiệm Covid-19 bằng PCR theo yêu cầu của người dân”, một lãnh đạo bệnh viện tỉnh Tiền Giang cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.