Tìm mộ liệt sĩ quy mô lớn trong sân bay Tân Sơn Nhất

07/07/2017 08:42 GMT+7

Chiều 6.7, Quân khu 7 đã tổ chức khảo sát thực địa, tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Mậu Thân 1968.

Sáng cùng ngày, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức hội thảo về nội dung này, lắng nghe thông tin một số nhân chứng với sự chủ trì của thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực khảo sát thực địa là khu đất rộng 7 ha, nằm ở phía tây (phía đường băng máy bay cất cánh) sân bay Tân Sơn Nhất, liền kề mũi tàu đường Cộng Hòa và Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM). Khu đất này là đất quốc phòng, trước đây được giao cho Sư đoàn Không quân 370 quản lý, mới đây đã được Bộ Quốc phòng giao cho Tập đoàn C.T Group triển khai dự án dịch vụ hàng không sân bay.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết vào năm 1995, từ thông tin một số nhân chứng cung cấp, Sở phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM (nay là Bộ Tư lệnh TP.HCM), các cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm và khai quật được 182 hài cốt liệt sĩ chung một mộ tập thể ngay tại khu vực đang khảo sát thực địa. Sau đó tổ chức truy điệu, đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM; lập bia tưởng niệm, trên bia có ghi tên tuổi, quê quán của 182 liệt sĩ thuộc đơn vị Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269 và Tiểu đoàn 16.
“Đến năm 1998, một số nhân chứng khác, trong đó có một cựu binh Mỹ cung cấp thông tin là vẫn còn một mộ tập thể quân giải phóng hy sinh tại phía tây sân bay, với số lượng khoảng từ 500 - 1.200 hài cốt. Việc tổ chức tìm kiếm được triển khai ngay vào thời điểm đó, nhưng dù đã nỗ lực hết sức vẫn không có kết quả, buộc phải tạm dừng vì vị trí hố chôn không xác định được cụ thể, trong khi khu vực sân bay quá rộng lớn”, ông Khiết nhớ lại.
Nhân chứng Lê Công Hoàng (mũ trắng) khảo sát vị trí mộ tập thể tại thực địa Ảnh: Đình Phú
Có 2 hố chôn tập thể gần nhau ?
Đợt tìm kiếm, khai quật lần này được triển khai xuất phát từ thông tin được cung cấp bởi nhiều nhân chứng, trong đó có những hình ảnh, tư liệu do KTS Nguyễn Xuân Thắng (thành viên diễn đàn VMH Online - lịch sử quân sự Việt Nam). Theo chia sẻ của ông Thắng, ông “tự phát, đam mê tìm hiểu tư liệu chiến tranh”, bởi chính ông đã từng miệt mài đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của người thân. Thông qua diễn đàn VMH Online, với những chia sẻ thông tin từ các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam như Bob Connor, Martin Stone, David Cave..., ông có được nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến trận đánh vào sân bay còn lưu trữ tại Mỹ. Từ những bằng chứng gián tiếp này, ông đưa ra nhận định ở phía tây sân bay có 2 mộ tập thể. “Nếu như vị trí khai quật được 182 hài cốt liệt sĩ là mộ thứ nhất, thì mộ thứ hai với thông tin có khoảng 600 hài cốt liệt sĩ do phía cựu binh Mỹ chia sẻ, cũng nằm cách đó không xa”, ông Thắng nói.
Đến dự hội thảo và đi thực địa còn có nhân chứng Lê Công Hoàng. Năm 1968, ông là chuyên viên truyền tin của Không lực VNCH. Theo lời kể của ông Hoàng, khi đó ông bị điều động vào sân bay đi gom và chôn thi thể quân giải phóng. “Trong 2 mộ tập thể gần nhau, chỉ cách tầm khoảng 150 m, tôi có trực tiếp tham gia chôn lấp 1 mộ. Lúc đó súng nổ ầm ầm, hỗn loạn chỉ biết lo làm cho xong việc chứ không có thời gian để đếm”, ông Hoàng nói. Ông Hoàng băn khoăn là từ 1968 - 1975 khu vực có mộ tập thể có bị đào xới gì hay không, nếu không thì khả năng mộ số 2 vẫn còn.
Ông Vũ Chí Thành, nhân chứng hiếm hoi còn sống sót của Tiểu đoàn 16, kể đêm 31.1.1968 đơn vị ông đánh vào phía tây sân bay, sau trận đánh từ quân số 550 còn lại chưa tới 100, đến nay trong số hy sinh còn hơn 300 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Theo ông Thành, ngoài lực lượng trợ chiến, trinh sát, biệt động thành, bộ đội địa phương, thì riêng 3 tiểu đoàn: 267, 269 và 16 có quân số tham gia trận đánh khoảng 1.500, đa phần hy sinh. “Đơn vị tôi thuộc Quân khu Long An, do mới về nên không kịp nhận quân trang mới, anh em mang dép râu tham gia trận đánh vào sân bay”, ông nhớ lại.
Thông tin ông Thành cung cấp cũng khá sát với tài liệu mà KTS Nguyễn Xuân Thắng thu thập được từ phía Mỹ.
Xới lên từng lớp đất
Theo thiếu tướng Trần Hữu Tài, xâu chuỗi các hình ảnh, tư liệu, thông tin từ các nhân chứng…, bước đầu thấy có một số điểm trùng khớp. Thứ nhất là số lượng, thứ hai là khu vực được cho là vị trí mộ tập thể. Sau hội thảo, ông Tài chỉ đạo giao Bộ Tư lệnh TP.HCM chủ trì phối hợp, lên kế hoạch tìm kiếm, khai quật; huy động lực lượng chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 7, chuyên gia có kinh nghiệm của ngành LĐ-TB-XH…
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết việc thi công dự án dịch vụ hàng không sân bay buộc phải tạm ngừng để triển khai công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong số đất đá đào lên lúc thi công đã phát hiện 1 chiếc dép râu mà bộ đội địa phương dùng. “Chúng tôi sẽ xới lên từng lớp đất với quyết tâm cao nhất, hy vọng tìm thêm được hài cốt liệt sĩ. Đây là đợt tìm kiếm tại 1 vị trí nhưng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của TP.HCM, làm tổng lực và có thể kéo dài cả tháng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.