Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng. Tại buổi lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, sáng 15.8, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng. Mục tiêu nhằm tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong. Như vậy, TP.HCM liên tục giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau từ 31.5 đến nay; nếu kéo dài đến 15.9 thì người dân thành phố trải qua 3 tháng rưỡi giãn cách xã hội. Cụ thể, từ ngày 31.5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 trong 15 ngày, sau đó tiếp tục gia hạn thêm 2 tuần. Ngày 9.7, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và kéo dài cho đến nay.
TP.HCM chia 2 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vào giữa tháng 9. Tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ sơ kết thực hiện Chỉ thị 16 diễn ra sáng nay 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày 2 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vào giữa tháng 9 cùng với các biện pháp thực hiện. Giai đoạn 1 (từ ngày 15 - 31.8), TP.HCM đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Đồng thời, tập trung mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với 7 quận, huyện: Q.5, Q.7, Q.11, Q.Phú Nhuận, H.Cần Giờ, H.Nhà Bè, H.Củ Chi. Giai đoạn 2 (từ ngày 1 - 15.9), phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19 với các chỉ tiêu cụ thể: số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%, số ca nhập viện điều trị không vượt quá số ca xuất viện mỗi ngày, mỗi ngày không quá 2.000 ca nhập viện, đảm bảo hơn 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer. Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer. Tại cuộc họp giữa tuần về sản xuất vắc xin trong nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay dù Việt Nam đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc xin nhưng trong tháng 8.2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều về nước. Số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP.HCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP.Hà Nội. Trong tháng 9, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều nữa được nhập về.
73.665 người ở TP.HCM đã tiêm vắc xin Vero cell của hãng Sinopharm. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 15.8 (sau 2 ngày tiêm) đã có 73.665 người trên địa bàn tiêm vắc xin Covid-19 Vero cell của hãng Sinopharm. Trong đó, H.Hóc Môn tiêm nhiều nhất với hơn 19.000 liều, tiếp theo là H.Bình Chánh, H.Củ Chi, Q.Bình Tân… Trong đó, ngày 14.8 số lượng người tiêm vắc xin này cao hơn nhiều so với ngày 13.8. Cũng theo báo cáo này, trong đợt 5, TP.HCM đã tiêm được hơn 3,4 triệu người. Tính qua các đợt tiêm đến nay, TP.HCM đã tiêm gần 4,4 triệu người, trong đó đã có hơn 100.000 người được tiêm mũi 2.
Đồng Nai xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh để kiểm soát dịch Covid-19. Tỉnh này sẽ xét nghiệm Covid-19 diện rộng từ 16.8 đến 31.8 nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, thực hiện mục tiêu đến 1.9 cơ bản kiểm soát dịch. Theo kế hoạch, Đồng Nai tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; đối với vùng nguy cơ thì lấy mẫu 100% nhưng chỉ đại diện hộ gia đình, còn tại vùng xanh thì 20% đại diện hộ gia đình. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các huyện, thành phố đánh giá mức độ nguy cơ theo từng ấp, khu phố trên địa bàn. Khoảng 2,1 triệu dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và dự kiến phát hiện từ 9.000 – 18.000 người nhiễm Covid-19 hoặc có thể cao hơn. Trong đó số người có triệu chứng từ 1.800 – 3.600.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, tỉnh Bình Dương lập đường dây nóng cấp cứu, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân. Theo đó, khi người dân Bình Dương gặp khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm hoặc cấp cứu, chuyển bệnh… gọi đến tổng đài 1022 (gọi từ điện thoại di động thêm mã vùng Bình Dương 0274 ở trước số 1022). Sau đó thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng, y tế, hội chữ thập đỏ từ cấp tỉnh đến các xã, phường xác minh nếu thực sự gặp khó khăn sẽ được xử lý ngay. Trước đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo thành lập Trung tâm chỉ huy điều phối hoạt động phản ứng nhanh thông qua đường dây nóng tổng đài 1022 hỗ trợ người dân trong suốt thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)