Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Thủ tướng đề nghị các tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh tiếp tục giúp đỡ TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Sáng 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, nhưng ông tranh thủ dành ít phút đầu để phát biểu về công tác phòng chống dịch Covidd-19. Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ TP.HCM và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP.HCM”. Thủ tướng nhấn mạnh có kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam thì mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước, nên yêu cầu cần tiếp tục chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu người. Ngày 19.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã nhận được công văn của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đề nghị Bộ đề xuất Thủ tướng hỗ trợ tổng số hơn 216.618 tấn gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 năm 2021. Trong đó, Đắk Lắk đề xuất hỗ trợ 534,3 tấn gạo; Đắk Nông 577,1 tấn; Đồng Tháp 5.883,4 tấn; Tây Ninh 336,2 tấn; Cà Mau 2.862,3 tấn; Vĩnh Long 2.103,1 tấn; Long An 807 tấn; TP.HCM 71.104,9 tấn... Bộ LĐ-TB-XH đã xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 130.175 tấn gạo cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15 kg gạo trong thời gian 1 tháng.
TP.HCM lập 389 trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà. Chiều 19.8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn về việc xây dựng kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động, có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc xin... dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm y tế. Hiện TP.HCM có 18.943 F0 cách ly tại nhà, trong đó nhiều nhất là Q.8, Q.7, Q.12, Q.Tân Bình, Q.Bình Thạnh… Căn cứ thực tế, Sở Y tế đề nghị thành lập 389 trạm y tế lưu động. Trong đó, nhiều nhất là Q.8 có 49 trạm, Q.Tân Bình có 40 trạm, Q.7 có 36 trạm, Q.Bình Thạnh có 39 trạm… Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 ca F0. Hiện tại, TP.HCM có 319 trạm y tế cố định.
TP.HCM dùng 150 xe taxi công nghệ vận chuyển lực lượng y tế chống dịch. Theo phương án Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng, Công ty TNHH Grab tài trợ miễn phí 100 xe ô tô từ ngày 20.8 đến hết 15.9; Công ty TNHH Công nghệ Gojek Việt Nam tài trợ 50 xe ô tô từ ngày 20.8 đến hết 20.9. Các đối tượng được hỗ trợ vận chuyển bao gồm: Nhân viên y tế (bác sĩ, y tá, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ…) có thẻ ngành hoặc giấy xác nhận (của Sở Y tế, Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố, bệnh viện hoặc các Trung tâm y tế); Trang thiết bị, vật tư y tế có nhân viên y tế đi cùng; Người đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, có giấy xuất viện theo quy định của ngành y tế, cần di chuyển từ bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm cách ly về nơi cư trú. Thời gian phục vụ từ 6 - 18 giờ hằng ngày (bao gồm thứ bảy, chủ nhật).
Đà Nẵng xét nghiệm nhanh Covid-19 tất cả người vào thành phố. Theo đó, tại 3 vị trí cửa ngõ ra, vào TP.Đà Nẵng gồm chốt soát kiểm dịch Covid-19 đường Tạ Quang Bửu, Q.Liên Chiểu; chốt soát kiểm dịch trạm cảnh sát giao thông (CSGT) Hòa Nhơn; chốt soát kiểm dịch trạm CSGT Hòa Phước, cùng triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả những người có mặt trên các phương tiện. Thời gian áp dụng từ 19.8 đến khi có thông báo mới. Mục đích việc xét nghiệm nhanh là phát hiện kịp thời trường hợp mắc Covid-19 là người trên phương tiện vào TP.Đà Nẵng tại các chốt kiểm soát dịch liên ngành để cách ly, điều trị kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Bắc Giang phát hiện 6 ca Covid-19 liên tiếp sau 1 tháng không có ca nhiễm. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang sáng 19.8, hôm qua, tỉnh này ghi nhận 6 trường hợp F0. Ca phát hiện đầu tiên là Th.T.L (27 tuổi), trú tại P.Lê Lợi, TP.Bắc Giang, đang công tác tại Công an tỉnh Bắc Giang. Qua truy vết và rà soát lịch sử dịch tễ, xét nghiệm RT-PCR xác định thêm 5 ca F0 khác là đồng nghiệp và người ở cùng khu phố. Trước đó, từ đầu dịch lần thứ 4 (27.4) đến chiều 18.8, tổng số trường hợp F0 toàn tỉnh này là 5.780, trong đó có 5.772 bệnh nhân Covid-19 đã được ra viện. Toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 370.195 liều vắc xin.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM lần đầu tiên lọc máu cứu sống bé gái mắc Covid-19 nặng. Ngày 19.8, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết lần đầu tiên bệnh viện phải dùng hầu hầu hết phương pháp điều trị chuyên sâu áp dụng cho người lớn mắc Covid-19 nguy kịch để cứu một bé gái gần 16 tuổi mắc Covid-19 nặng, gồm: lọc máu, thở ô xy dòng cao, đặt nội khí quản thở máy. Sau một tháng tích cực điều trị, bé gái đã hồi phục ngoạn mục, đã ngưng lọc máu hơn 1 tuần, ngưng hỗ trợ máy thở và đang hồi phục dần 2 lá phổi viêm xẹp với những liều kháng sinh, kháng viêm và dòng ô xy hỗ trợ cuối cùng. “Đây là ca điều trị lọc máu thành công cho một trẻ mắc Covid-19 nguy kịch đầu tiên tại bệnh viện cũng như tại Việt Nam", bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ.
Bình luận (0)