Tỉnh Hòa Bình buông lỏng quản lý đất đai gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng

26/05/2017 09:00 GMT+7

Trong giai đoạn 2004 - 2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý đất đai, gây lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước số tiền rất lớn.

* Kiến nghị thu hồi về ngân sách khoản tiền sai phạm 255 tỉ đồng
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh, đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc những loại hình dự án áp dụng lệnh khẩn cấp theo Nghị định 71, tránh tình trạng lạm dụng để giao thầu thiếu khách quan, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo kết luận thanh tra về quản lý đất và quản lý các dự án (DA) đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố, trong giai đoạn 2004 - 2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý đất đai, gây lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước số tiền rất lớn.
Không tính tiền sử dụng 5.654 m2 đất ở
Qua thanh tra trực tiếp tại DA Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (TP.Hòa Bình), quy mô hơn 24 ha do Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng hơn 7.700 m2 đất vốn được quy hoạch là đất công trình cơ quan sang mục đích làm nhà hàng khách sạn với giá trị chuyển nhượng hơn 20 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại các lô đất có quy hoạch là đất dịch vụ được chủ đầu tư chuyển nhượng cho một số doanh nghiệp xây trụ sở, hưởng khoản chênh lệch so với thuế sử dụng đất đã nộp gần 10 tỉ đồng. TTCP cho biết, trên một số lô đất quy hoạch là đất cây xanh hiện đã bị các doanh nghiệp sử dụng để làm sân tennis, nhà phụ trợ. Đáng chú ý, tại DA này, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã “bỏ quên”, không tính tiền sử dụng hơn 5.654 m2 đất ở, gây thất thoát ngân sách 30,5 tỉ đồng. “Việc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến chủ đầu tư DA chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch; khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm tăng diện tích đất ở nhưng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng không tính tiền sử dụng đất phải nộp”, kết luận TTCP nêu rõ.
Theo TTCP, tại DA Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long thuộc H.Lương Sơn do Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2011, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt số tiền sử dụng đất phải nộp khi giao đất cho chủ đầu tư theo phương pháp thặng dư, trong đó số tiền trả lãi vay xác định không đúng Thông tư 145/2007 của Bộ Tài chính đã làm cho tổng chi phí đầu tư tăng, dẫn đến số tiền sử dụng đất phải nộp giảm hơn 101,5 tỉ đồng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Dù DA triển khai nhiều năm nhưng qua hơn 3 năm 6 tháng, chủ đầu tư vẫn chưa nộp khoản tiền sử dụng đất hơn 41,7 tỉ đồng. Tương tự, tại các DA Khu dân cư cảng Chân Dê (TP.Hòa Bình), Trung tâm thương mại và nhà ở H.Lương Sơn, TTCP phát hiện các cơ quan chức năng phê duyệt tiền sử dụng đất không đúng, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng.
Lạm dụng tình trạng khẩn cấp để chỉ định thầu
Theo kết luận thanh tra, đầu năm 2009, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt DA nạo vét, gia cố chỉnh trị sông Bôi để thoát lũ nhanh cho các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy và Kim Bôi. Với lý do DA cần hoàn thành gấp vào năm 2010 để chống sạt lở, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản trình Thủ tướng đề nghị được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc DA khẩn cấp.
Ngày 25.11.2009, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng trước đó 12 tháng, tức tháng 11.2008, việc chỉ định thầu đã được thực hiện ở gói thầu tư vấn, khảo sát trị giá 6,7 tỉ đồng. Trong các năm 2009 - 2012, nhiều gói thầu thuộc DA này đã được chỉ định thầu. Chưa hết, DA này có tổng mức đầu tư 949 tỉ đồng từ ngân sách, song chủ đầu tư là Sở NN-PTNT tỉnh và UBND tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần phê duyệt điều chỉnh cắt giảm quy mô với giá trị thi công lên tới hàng chục ngàn mét bờ kè cũng như nạo vét nhưng tổng mức đầu tư không thay đổi. Mặt khác, đến thời điểm thanh tra (tháng 2.2015), hồ sơ khảo sát thiết kế của DA này vẫn chưa được hoàn thành, không thực hiện được đúng mục tiêu DA cấp bách như đã báo cáo Thủ tướng.
Năm 2012, theo đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý cho tỉnh này được thực hiện DA đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở mái ta luy Km 87+300 đến Km 153 thuộc QL6 qua Hòa Bình theo lệnh khẩn cấp để khắc phục tình trạng sạt lở trong năm 2012, theo quy định tại Nghị định 71/2005 về quản lý đầu tư xây dựng các công trình đặc thù.
Tuy nhiên, trên thực tế, DA được thực hiện theo kiểu vừa thiết kế, vừa thi công. Quá trình thực hiện thi công, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chưa hoàn thành. Trong đó, đến thời điểm tháng 11.2014, chủ đầu tư là Sở GTVT Hòa Bình mới có quyết định phê duyệt tổng dự toán công trình với 14 vị trí kè sạt lở có giá trị 662 tỉ đồng. Đến năm 2014, nhiều hạng mục vẫn còn dở dang. Qua thanh tra tại một số hạng mục như nền đường, đào móng, công trình thoát nước đã có sự chênh lệch chưa rõ giữa thi công bằng máy và thủ công.
Đáng chú ý, trong nhiều dự án do TTCP trực tiếp thanh tra cho thấy, sau khi đề nghị và được Thủ tướng cho áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhiều gói thầu được chỉ định cho Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn. Trong DA nạo vét, gia cố chỉnh trị sông Bôi, TTCP còn phát hiện Sở NN-PTNT Hòa Bình chỉ định thầu cho doanh nghiệp này thi công gói thầu KP 14 vào ngày 15.12.2009 nhưng đến ngày 28.12.2009 thì sở này mới có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ và dự toán. Việc phê duyệt chỉ định thầu khi chưa có dự toán gói thầu phê duyệt là vi phạm điều 20 luật Đấu thầu.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi về ngân sách khoản tiền sai phạm 255 tỉ đồng, trong đó thu hồi tiền sai phạm ở các DA về quản lý sử dụng đất số tiền 205 tỉ đồng, thực hiện việc giảm trừ khi thanh quyết toán tại 5 DA đầu tư xây dựng với khoản tiền 49,5 tỉ đồng. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể thường trực UBND tỉnh, các sở KH- ĐT, Tài chính, TN-MT, Cục Thuế và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Trụ sở tỉnh ủy dùng cửa gỗ lim châu Phi giá quá cao so với thị trường
Theo TTCP, tại DA xây dựng trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng tỉnh Hòa Bình có tổng mức đầu tư 133 tỉ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2010 nhưng đến khi hoàn thành vào năm 2014 đã nhiều lần bị điều chỉnh thiết kế, bản vẽ.
Trong đó, điều chỉnh cửa gỗ dổi và cửa Eurowindows sang cửa gỗ lim châu Phi, bổ sung vách nhôm kính Việt Nhật. Qua thanh tra cho thấy, chủ đầu tư là Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình đã lựa chọn “đơn giá quá cao so với giá thực tế trên thị trường”.
Theo quy định phải căn cứ báo giá trên thị trường địa bàn tỉnh nhưng chủ đầu tư thuê doanh nghiệp đi thẩm định giá ở Hà Nội, đơn vị này đã lấy báo giá của các doanh nghiệp không có chức năng sản xuất, kinh doanh cửa gỗ, khiến hạng mục này bị đội giá lên hơn 3,8 tỉ đồng. Doanh nghiệp trúng thầu gói xây lắp trụ sở của DA này cũng là Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.