Tính nhân văn của một chương trình từ thiện

31/12/2009 04:49 GMT+7

Tết của người nghèo Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ được bóc đi báo hiệu một năm mới sắp đến, thì đây cũng là thời điểm mọi người chuẩn bị sắm sửa và tân trang nhà cửa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đối với người Việt, Tết là dịp đặc biệt nhưng cũng là thời điểm tốn kém nhất trong năm. Ai cũng cố gắng để lo cho gia đình mình có một cái Tết đầm ấm, sung túc.

Những năm gần đây kinh tế trong nước phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao, nên việc chi tiêu trong dịp Tết không phải là vấn đề lớn với nhiều gia đình nhưng bên cạnh đó còn một bộ phận không nhỏ người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, thì mỗi lần Tết về là mỗi lần cuộc sống thêm phần chật vật.

Chính thực tế đó mà mỗi dịp xuân về có rất nhiều các chương trình, hoạt động từ thiện được các cá nhân, tổ chức thực hiện nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn vất vả với người nghèo. Mỗi người lựa chọn cho mình một lối đi riêng, một cách làm phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên, nếu chỉ giúp vào thời điểm hiện tại để người nghèo có một cái Tết no ấm thì không giải quyết được căn cơ của vấn đề, điều quan trọng là làm thế nào để người nghèo không còn phải lo canh cánh khi mỗi dịp xuân về. Đó là giúp cho các gia đình này thoát nghèo thực sự từ chính đôi tay của mình. Chương trình “Vượt khó cùng Anco” do Công ty thức ăn gia súc Anco thực hiện là một trong những mô hình như vậy.

Con đường đến sự no ấm

Chương trình “Vượt khó cùng Anco” được ra đời từ những điều “trông thấy” và “cảm” của Anco khi tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân nghèo. “Trăm nghe không bằng mắt thấy” quả không sai. Có đi đến tận nơi tiếp xúc với những người nghèo ở nông thôn mới hiểu được họ đang phải sống trong cảnh nghèo khó, vất vả như thế nào. Nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo khổ ở đại đa số các hộ nông dân hiện nay là do không nghề nghiệp ổn định, không vốn liếng, thiếu chuyên môn…dẫn đến họ cứ mò mẫm, loay hoay mãi mà nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. 

Những người nông dân này đều rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó nhưng “cái khó nó bó cái khôn”, họ cố gắng xoay xở đủ cách nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Anco hiểu sâu sắc rằng để giúp đỡ cho những người này không thể một sáng một chiều là xong, mà đó là cả một quá trình cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Điều quan trọng là phải giúp họ có được cái nghề để tự lực vươn lên thoát nghèo.

Với quan điểm như vậy, năm 2006 chương trình “Vượt khó cùng Anco” đã chính thức được triển khai nhằm giúp cho những người nông dân nghèo có được cái nghề để tự vượt lên số phận. Với phương châm không cho con cá mà chỉ cho cần câu và hướng dẫn cách câu, trong những năm qua chương trình đã mở đường và hướng dẫn cho rất nhiều hộ nông dân đi đến sự no ấm.

Anco vận động đại lý phân phối sản phẩm của mình hỗ trợ  mỗi gia đình 4 con heo giống và cty hỗ trợ toàn bộ thức ăn chăn nuôi để nuôi số heo này cho đến ngày xuất chuồng. Đồng thời cty sẽ cử nhân viên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ người được giúp đỡ trong suốt thời gian thực hiện chương trình. Thông thường chỉ khoảng 3 tháng sau là heo xuất chuồng, người chăn nuôi sẽ bán đi 3 con heo và để lại 1 con nái làm giống tiếp tục nhân đàn. Toàn bộ số tiền bán heo được gần chục triệu đồng sẽ thuộc về người chăn nuôi. Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn là gia đình đã có trong tay số tiền kha khá để trang trải cuộc sống cùng một cái nghề “nuôi heo” để tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy tốn công sức và thời gian nhưng đem lại hiệu quả thiết thực cho người được giúp đỡ, “Vượt khó cùng Anco” đã thắp lên niềm tin và hy vọng đổi đời cho hơn 300 gia đình nông dân nghèo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Định, Đắk Lắk, Long An, Bến Tre… đã được chương trình hỗ trợ.

Như chia sẻ của chị Phạm Toan ngụ tại xã Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu (đã được cty hỗ trợ vào tháng 6.2009): “Nhờ chương trình “Vượt khó cùng Anco” mà cuộc sống gia đình em đã khá hơn trước rất nhiều. Hiện em còn 2 con heo nái đang mang thai trong chuồng. Tết này bán heo con là em có thể tự lo cho gia đình một cái Tết no ấm…”.

Thiết nghĩ, mô hình hỗ trợ mang đậm tính nhân văn như vậy rất nên được khuyến khích và nhân rộng trong cộng đồng, giúp cho người nghèo tự quyết định tương lai của mình và giảm thiểu nguy cơ tái nghèo sau thời gian được giúp đỡ… (P.T)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.