Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã phải phối hợp với các cơ sở dạy nghề của địa phương để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, hay tại cộng đồng được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên. Thời gian cai nghiện là từ 6 - 12 tháng, tính từ ngày ký quyết định cai nghiện tại gia đình, hoặc cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Cấp xã thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy
Theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP, Tổ công tác cai nghiện ma túy do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, giải thể. Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Tổ trưởng Tổ công tác. Các thành viên Tổ công tác được hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí khi tham gia công tác quản lý, bảo vệ, tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện ma túy.
Đối tượng cai nghiện tại gia đình là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình. Đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng là người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng. |
Trường hợp không có cơ sở vật chất để tổ chức Cơ sở điều trị cắt cơn thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định xây dựng Cơ sở này phù hợp với nhu cầu, khả năng của địa phương.
Hỗ trợ tiền thuốc cho người cai nghiện
Theo Nghị định, các đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật, nếu tự nguyện cai nghiện ma túy sẽ được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện ma túy.
Cũng với các đối tượng trên khi cai nghiện ma túy bắt buộc sẽ được hỗ trợ tiền thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn và tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung.
Các trường hợp được miễn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng gồm: đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên; trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó tự nguyện cai nghiện, không còn sử dụng ma túy có Giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian tự nguyện cai nghiện.
Tính đến nay, Nam Định là một trong những địa phương đã triển khai mô hình cai nghiện tại cộng đồng đạt kết quả khá tốt. Trong số 1.800 người nghiện có hồ sơ quản lý của tỉnh, trên 500 đối tượng được cai nghiện tại cộng đồng bên cạnh 300 đối tượng cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Sau 5 năm thực hiện mô hình này, số lượng người nghiện được cai nghiện thành công đạt tỷ lệ khoảng 40 – 45%. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2009, cả nước có 9 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép, đã cai nghiện cho 10.426 lượt người, với tổng nguồn vốn được huy động là trên 80 tỷ đồng và thu hút trên 270 lao động, trong đó có 92 cán bộ y tế, 90 cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục. |
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)