Tòa án không vành móng ngựa

07/01/2018 08:08 GMT+7

Đó là một trong những điểm mới nổi bật về hình thức tại các phiên tòa hình sự kể từ ngày 1.1.2018, theo quy định tại Thông tư 01 và 02/2017 của TAND tối cao.

Cụ thể, Thông tư 01 và 02/2017 của TAND tối cao hướng dẫn quy chế tổ chức phiên tòa, quy định phòng xử án nêu 3 nội dung cơ bản: tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng; vị trí ngồi của Viện kiểm sát (VKS) ngang hàng với luật sư (LS); thay vành móng ngựa bằng bục khai báo của bị cáo.

Theo các nhà làm luật, quy định này nhằm thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử (HĐXX); bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Đảm bảo quyền con người
Tại điều 4 Thông tư 01/2017 của TAND tối cao quy định về phòng xử án: Phòng xử án được bố trí hai bục. Vị trí của HĐXX, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản… ở trên bục cao nhất. Bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp. Như vậy ở bục thứ 2, sau HĐXX thì các vị trí khác đều ngồi ngang nhau.
Về quy định thay vành móng ngựa bằng bục khai báo của bị cáo, các chuyên gia pháp luật đều đánh giá cao và xem như điểm nhấn của mô hình phòng xử án mới. Tiến sĩ Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, phân tích việc thay thế vành móng ngựa bằng bục khai báo đảm bảo được 3 yếu tố quan trọng, đó là quyền con người, nguyên tắc suy đoán vô tội khi chưa có bản án có hiệu lực, bình đẳng trong tranh tụng tại tòa. “Với sự thay đổi về hình thức này, kèm theo những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình sẽ đưa đến một phiên tòa cải cách tư pháp thật sự”, ông Độ kỳ vọng.
LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, nhìn nhận theo Hiến pháp cũng như nguyên tắc suy đoán vô tội trong hình sự thì không ai là người có tội khi chưa bị bản án có hiệu lực của tòa án kết tội. “Khi xét xử chưa biết bị cáo có tội hay không, nhưng với việc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa đã phần nào tạo tâm lý của bị cáo nói chung và cả những người tiến hành tố tụng nói riêng rằng bị cáo là người có tội. Vì vậy, bục khai báo sẽ tạo cho bị cáo tâm lý thoải mái hơn để khai toàn bộ hành vi, sự việc, từ đó HĐXX xem xét, đánh giá chứng cứ”, LS Hoan nêu.
Quan trọng là tranh tụng sòng phẳng, đúng luật
Về những thay đổi trên, theo kiểm sát viên cao cấp Đỗ Đức Vĩnh, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, mô hình phòng xử án lấy tòa án làm trung tâm là phù hợp, nhưng về vị trí giữa VKS và LS, ông Vĩnh cho rằng vẫn chưa hợp lý. “Vai trò của kiểm sát viên tham gia phiên tòa vừa thực hiện quyền công tố, vừa thực hiện vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp. Với vai trò công tố, họ ngồi ở vị trí nào không quan trọng, miễn anh tranh tụng bằng luận điểm, chứng cứ vững chắc, khiến những người tham gia phiên tòa tâm phục khẩu phục thì anh đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Nhưng với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp lại khác. Nhà nước giao cho kiểm sát viên thay mặt nhà nước kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX và khi anh được ngồi ở vị thế như vậy thì anh thực hiện quyền giám sát là rất khó”, ông Vĩnh nêu quan điểm.
Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Đình Trung phân tích thêm: Một số nước trên thế giới VKS ngồi ngang hàng với LS, bởi VKS chỉ có một chức năng là công tố. Riêng VN, VKS có 2 chức năng là công tố và thay mặt nhà nước thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. “Cải cách hoạt động tư pháp là mình tiếp thu có chọn lọc và áp dụng phù hợp vào thực tiễn. Một phiên tòa có mô hình phù hợp là thể hiện được vai trò nhân danh nhà nước, thể hiện vai trò chức năng của từng ngành, người tham gia tố tụng”, ông Trung nói.
Trong khi đó, LS Lê Văn Hoan cho rằng mặc dù chỗ ngồi không phải mang yếu tố quyết định đến chất lượng tranh tụng trong phiên tòa, nhưng cách bố trí vị trí ngồi trước đây một phần ảnh hưởng tới tâm lý những người tham dự phiên tòa nói chung và những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng nói riêng.
VKS là bên buộc tội nhưng có vị trí ngồi cao hơn sẽ tạo tâm lý bất bình đẳng trong phiên tòa. “Hình thức ngồi ngang hàng không chỉ tốt cho giới LS mà tốt cho cả kiểm sát viên, đòi hỏi kiểm sát viên phải tự nâng cao khả năng trình độ, chuyên môn của mình để bảo vệ được quan điểm đã truy tố.
Yếu tố “quyền lực nhà nước” trong tâm trí kiểm sát viên sẽ dần được thay thế bởi khả năng chuyên môn để bảo vệ cáo trạng, tranh luận sòng phẳng, công bằng với bên gỡ tội. Việc thay đổi cách bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa chưa phản ánh hết về cải cách tư pháp nhưng đó là bước đầu và về hình thức thể hiện sự tiến bộ. Trong nhiều trường hợp thì hình thức có thể quyết định nội dung. Hy vọng đây là bước đổi mới quan trọng để tiến tới một nền tố tụng lấy kết quả của quá trình tranh tụng để ban hành bản án”, LS Hoan nói. P.T
Xét xử ông Đinh La Thăng, Phạm Công Danh theo mô hình mới
Tại TP.HCM, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết TAND TP và 24 tòa án quận/huyện đang triển khai mô hình phòng xử án mới. “Tùy điều kiện các tòa mà công tác chuẩn bị đã sẵn sàng hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện”, bà Hương nói.
Trong khi đó, Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản khẳng định phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 2) bắt đầu từ ngày mai (8.1) sẽ áp dụng theo mô hình mới: vành móng ngựa được thay bằng bục khai báo, vị trí kiểm sát viên ngang hàng với LS. “Vì đang bắt đầu triển khai nên trong chừng mực nhất có thể, phiên tòa sẽ thực hiện tối đa cải cách tư pháp từ phòng xử án đến tố tụng”, ông Toản nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, thông tin từ TAND TP cũng khẳng định phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC), bắt đầu từ ngày mai (8.1), cũng theo mô hình không vành móng ngựa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.