Cụ thể, tại buổi tuyên án kéo dài 3 tiếng đồng hồ chiều tối nay, 15.3, Hội đồng xét xử vụ án Ethanol Phú Thọ đã tuyên án bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch PVC, và Đỗ Văn Hồng, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” trong việc ứng tiền trái pháp luật 25 tỉ đồng của PVC cho PVC Kinh Bắc để mua lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo.
Mặc dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng khai không có thoả thuận, bàn bạc trong chuyển tiền tạm ứng vượt quá Hợp đồng 73 (thực hiện hạng mục của dự án Polyester Đình Vũ) để mua đất tại Tam Đảo, tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo Hồng đã khai có bàn bạc với bị cáo Thanh về việc mua đất ở Tam Đảo, đã dẫn bị cáo Thanh đi xem đất.
Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của một số cá nhân khác có liên quan (như Vũ Đức Thuận, cựu Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phó tổng giám đốc PVC) và ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Thanh), cho biết mình chỉ đứng tên Công ty Mai Phương cho vợ chồng Trịnh Xuân Thanh.
Đến ngày nhận chuyển nhượng hơn 3.400 m2 đất Tam Đảo từ bị cáo Đỗ Văn Hồng, Công ty Mai Phương mới thành lập 2 ngày, chưa có bất cứ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
Đối với tội danh này, Hội đồng xét xử cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm chính. Bị cáo Hồng là người thực hành, giữ vai trò đồng phạm, giúp sức, nhưng không được hưởng gì về vật chất, nên trách nhiệm thấp hơn.
Ngoài tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh 8 năm tù (cộng với 10 năm tù về tội vi phạm các quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hình phạt là 18 năm), Đỗ Văn Hồng 4 năm tù về tội danh này, Hội đồng xét xử còn tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng thửa đất trên.
PVC cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. PVC Kinh Bắc cũng cần trả cho PVC 1,2 tỉ đồng (khoản chênh lệch giữa số tiền 25 tỉ đồng được PVC tạm ứng với số tiền mua lô đất ban đầu).
Hội đồng xét xử không buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường cho PVC, nhưng buộc phải nộp 3 tỉ đồng bị cáo chiếm dụng của PVC Kinh Bắc sung quỹ Nhà nước.
Liên quan đến việc chuyển nhượng lô đất giữa các bên (vợ Trịnh Xuân Thanh đã bán lô đất cho người khác), phiên toà không xem xét. Nếu các bên có tranh chấp, có thể khởi kiện một vụ án dân sự khác.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, cáo trạng của vụ án cũng nêu rõ nhiều tình tiết liên quan đến lô đất tại Tam Đảo.
Theo đó, vì muốn sở hữu lô đất này, năm 2009, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo tạm ứng sai quy định cho PVC Kinh Bắc (doanh nghiệp do Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đào Viên, lập ra để thực hiện một hợp đồng tại dự án Polyester Đình Vũ, cũng một đại dự án đắp chiếu khác do PVC thực hiện) 25 tỉ đồng để PVC Kinh Bắc mua lô đất này.
Sau đó, để hợp thức hóa, bị cáoTrịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển số tiền này thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc và yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho mình. Để nhận quyền chuyển nhượng, Trịnh Xuân Thanh đã lập ra Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới (82 tuổi) đứng tên chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật.
Công ty sau đó được chuyển nhượng cho vợ Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga và năm 2016, bà Nga chuyển nhượng cho Kiều Đào Lâm (trú tại P.Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng, bao gồm cả khu đất 3.400 m2 ở Tam Đảo.
Trong vụ việc này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn lợi dụng chức vụ là Chủ tịch PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc, nên chỉ trả cho PVC Kinh Bắc 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả.
Tháng 12.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất trên.
Bình luận (0)