‘Tôi muốn đối mặt với luật sư Trần Đình Triển trong phiên tòa sớm nhất”

19/05/2016 19:18 GMT+7

Trung tướng Hữu Ước, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, nguyên Tổng biên tập báo Công an Nhân dân (CAND) cho biết như vậy sau khi ông đâm đơn tố luật sư Trần Đình Triển về hành vi vu khống.

 Trung tướng Hữu Ước cho biết “tôi đã mất ngủ trắng ba đêm với tâm trạng rất cay đắng, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, tôi lại tự an ủi là nhà văn, mình lại có thêm trải nghiệm đời sống để viết thêm một tập tiểu thuyết nữa”.
Theo trung tướng Hữu Ước, những thông tin luật sư Trần Đình Triển đưa lên mạng xã hội đã thể hiện nhiều nội dung không chỉ xâm phạm đến uy tín danh dự cá nhân ông mà cả tập thể Đảng ủy, tập thể Ban biên tập báo CAND. Do đó ngày 17.5, ông đã gửi đơn đến lãnh đạo Bộ Công an và một số cơ quan chức năng khác đề nghị làm rõ sự việc.
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, trung tướng Hữu Ước cho rằng, luật sư Trần Đình Triển đã vi phạm pháp luật ở 5 điểm, gồm:
1- Tự phong cho ông Lê Kim Chi là thượng tá (trong khi ông Lê Kim Chi đang đeo hàm trung tá).
2-Tài liệu của một luật sư đang làm nghề luật pháp gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, các cơ quan chức năng tố cáo hay kiến nghị sai phạm của tổ chức, cá nhân không được phép đưa lên báo chí và mạng xã hội khi vụ việc chưa được làm rõ. Việc này đã làm mất an ninh trật tự, gây nhiễu loạn thông tin làm tổn hại tới tổ chức và cá nhân. Vi phạm điều 288 của bộ luật Hình sự.
3- Luật sư làm nghề luật pháp chỉ xem và nghe một chiều, không điều tra xem xét kỹ tài liệu và quy kết buộc tội Đảng ủy- Ban biên tập Báo CAND và cá nhân tôi.
4- Tài liệu trung tá Lê Kim Chi gửi cho luật sư Trần Đình Triển không có bất cứ một dòng, một chữ nào nói về tôi nhưng bài viết trên mạng xã hội và trong công văn gửi Bộ Công an và các cấp chủ yếu nói về tôi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực lớn trong 2 dự án xin đất và trả đất của Báo CAND.
5- Toàn bộ lập luận chứng cứ của luật sư Trần Đình Triển nói về Đảng ủy - Ban biên tập Báo CAND và tôi là hoàn toàn sai bản chất của sự việc. Ông Trần Đình Triển đã vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm tôi với tư cách Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo CAND. Vấn đề này, ông luật sư Trần Đình Triển đã phạm vào điều 155 (tội làm nhục người khác) và điều 156 (tội vu khống) của bộ luật Hình sự.

tin liên quan

Bất an vì “bão” tin đồn
Chưa bao giờ tin đồn thất thiệt lại rộ lên như thời gian gần đây. Tin đồn như cơn bão quét qua mọi lĩnh vực, khiến người dân bất an, hoang mang và cơ quan chức năng phải khổ sở vào cuộc xử lý.
“Tôi xin khẳng định với các cơ quan chức năng, nếu tôi sai, tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Bộ Công an và pháp luật. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý việc vi phạm pháp luật của luật sư Trần Đình Triển”, ông Hữu Ước nói.
Trước đó, ngày 12.5, luật sư Trần Đình Triển đăng tải trên mạng facebook một bài viết ngắn với tiêu đề “Ông Hữu Ước phù phép biến hơn 28.000 m2 đất của cán bộ chiến sỹ báo CAND đi đâu”.
Trong bài viết này, ông Trần Đình Triển cho biết, từ năm 2002, UBND TP.Hà Nội đã cấp cho Báo CAND hai dự án để làm trụ sở và làm nhà, nhưng sau đó cả hai dự án này (có tổng diện tích 28.000 m2) đã bị mua đi bán lại nhiều lần cuối cùng rơi vào tay doanh nghiệp, trong khi đó cán bộ, công nhân viên của báo CAND phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong bài viết này cũng cho biết sự việc này có trách nhiệm của trung tướng Hữu Ước, khi đó là Tổng biên tập Báo CAND.
Ông Trần Đình Triển cũng cho biết đã có văn bản báo cáo kiến nghị Bộ Công an xem xét xử lý trách nhiệm người có liên quan trong vụ việc theo quy định pháp luật.
Được biết, ông Trần Đình Triển là luật sư đại diện cho ông Lê Kim Chi, Phó trưởng Ban báo CAND - người đang bị điều tra liên quan tới dự án làm nhà cho cán bộ báo.
Sau khi nhận được thông tin bị khởi kiện, luật sư Trần Đình Triển tiếp tục viết một số bài viết khác trên mạng xã hội facebook bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Trong bài viết, luật sư Triển lý giải về việc đưa nội dung thông tin sự việc lên mạng xã hội. “Trước hết với vai trò của luật sư được quy định trong luật Luật sư “góp phần bảo vệ công lý”; với bản thân tôi khi được thân chủ đồng ý và tài liệu thu thập được phải có cơ sở, tôi mới đưa thông tin. Mục đích chính là nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tổ chức và cá nhân. Mặt khác, pháp luật đã quy định “nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật” thì bất cứ cá nhân nào khi vi phạm pháp luật cũng đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc”, ông Triển viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.