Tội phạm ma túy khiến các cơ sở giam giữ bị quá tải

23/10/2014 15:02 GMT+7

(TNO) Trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 23.10, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho biết: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các cơ sở giam giữ của chúng ta vẫn có tình trạng quá tải”.

>> Chết trong tư thế treo cổ ở nơi tạm giam
>> Vụ 'chết trong tư thế treo cổ ở nơi tạm giam': Pháp y xác định bị can tự tử
>> Bắt tạm giam chấp hành viên chiếm đoạt tài sản
>> Hủy án vụ 'trắng án' sau 3 năm bị tạm giam ở Đồng Nai

* Xin ông cho biết kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giam giữ người phạm tội trong các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay?

Việc tạm giữ, tạm giam hiện nay cơ bản bảo đảm an toàn và chế độ tương đối bảo đảm. Cơm ăn, nước uống của người bị giam giữ, theo chúng tôi quan sát, đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ khẩu phần ăn.

 dai-bieu-do-van-duong
Ông Đỗ Văn Đương trả lời phỏng vấn báo giới - Ảnh: Mạnh Quân

Ban quản lý các trại tạm giam, tạm giữ đã tạo điều kiện cho người bị giam giữ tăng gia lao động sản xuất để lấy thực phẩm cải thiện. Về chế độ ăn uống là tốt, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn quan tâm đến chế độ của phạm nhân và họ luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các cơ sở giam giữ của chúng ta vẫn có tình trạng quá tải. Nhiều năm nay, việc quy định 2 m2/chỗ nằm vẫn chưa đảm bảo được.

Một vấn đề khác làm quá tải nhà giam giữ là tội phạm ma túy phát sinh nhiều. Từ ma túy dẫn đến trộm cắp, cướp… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải các khu vực tạm giam, tạm giữ.

Ở góc độ cơ quan tư pháp, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ có lộ trình nâng cấp, cải tạo xây dựng mới cơ sở hạ tầng nơi giam giữ, đảm bảo diện tích chỗ nằm.

* Tình trạng quá tải của các nhà tạm giam, tạm giữ liệu có nguyên nhân từ việc tội phạm chưa đến mức phải tạm giam, tạm giữ nhưng chúng ta đã áp dụng biện pháp này?

Có một số trường hợp như vậy và chúng tôi đã kiến nghị những trường hợp không cần thiết phải tạm giam thì ta không thực hiện việc này và áp dụng bằng các biện pháp khác, như cho bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện, vì loại tội phạm ít nghiêm trọng từ 2 năm tù trở xuống, nhưng lại trộm cắp vặt suốt ngày và phạm tội có tính chất nhỏ nhặt, gây bức xúc xã hội. Khi đã bị phát hiện, đối tượng lại trốn, không bắt giữ được và không đưa ra xét xử được, nên kéo dài nhiều năm. Có thể có tới hơn 1.000 đối tượng 5 - 6 năm nay chưa bắt được, trong đó có đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Cũng có những vấn đề tồn tại bởi quy định của pháp luật về căn cứ tạm giữ, tạm giam theo tôi luật cũng cần sửa cho rõ. Tuy nhiên, tội nào đáng giam phải giam, trường hợp nào không giam phải mở rộng biện pháp ngăn chặn.

Trong điều kiện hiện nay, theo tôi cần nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh và nếu để tội phạm bỏ trốn, người bảo lãnh phải bị phạt tiền. Hiện nay, người bảo lãnh để tội phạm bỏ trốn vẫn chưa có quy định để xử lý. Nếu một chính sách pháp luật đưa ra không phù hợp với thực tiễn, sẽ gây khổ cho cả cộng đồng.

Hà Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.