TP.HCM siết chặt công tác PCCC, đề phòng 'bom nổ chậm'

Đình Phú
Đình Phú
28/03/2018 10:24 GMT+7

Sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM), công tác đảm bảo an toàn PCCC được nhiều đơn vị quản lý chung cư siết lại, đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo để cư dân nâng cao ý thức.

Trao đổi với PV Thanh Niên vào ngày 27.3, ông Thanh Nam, Trưởng ban quản trị chung cư An Lộc (P.An Phú, Q.2) cho biết: “Sau khi xảy ra vụ cháy (cháy chung cư Carina Plaza - PV), ban quản trị phối hợp với lực lượng bảo vệ, PCCC đi các tầng kiểm tra, nhắc nhở từng hộ dân. Trước đây cũng từng nhắc nhở nhiều lần nhưng nhiều trường hợp không chấp hành. Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư ở Q.8 làm 13 người chết, 91 người bị thương, mọi người đã biết sợ, chấp hành tốt hơn”.
Trước đó, tại chung cư An Lộc, P.An Phú xuất hiện nhiều hành vi lấn chiếm lối thoát hiểm, cầu thang, để vật dụng che lấp họng nước, bình cứu hỏa… 
Ngày 27.3, Ban quản trị chung cư An Lộc thực hiện dán bảng thông báo tại cầu thang máy và tại mỗi tầng chung cư, tiếp tục yêu cầu cư dân không để bất cứ vật dụng nào trước, trong cầu thang bộ, lối thoát hiểm; cửa cầu thang bộ, lối thoát hiểm luôn luôn đóng 1 chiều (để ngăn khói, ngăn cháy khi xảy ra hỏa hoạn - PV)… “Chúng tôi luôn mong cư dân cộng đồng trách nhiệm để cùng nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn PCCC. Nếu công tác này chỉ giao cho ban quản trị hoặc lực lượng bảo vệ thì không thể đảm bảo được tuyệt đối an toàn, mà mỗi cư dân phải nhận thức được vai trò của mình, góp thêm vào cho thật sự an toàn môi trường sống”, ông Nam nói.
Siết chặt PCCC, đề phòng “bom nổ chậm”1
Người dân chung cư An Lộc (Q.2) theo dõi thông báo về PCCC tại mỗi tầng chung cư Ảnh: Đình Phú
TP.HCM hiện có khoảng hơn 1.200 nhà cao tầng, có những tòa nhà cao chục tầng, xe máy xếp lớp trong tầng hầm, thậm chí là gầm cầu thang. Trong các nhà cao tầng ấy, nhiều người luôn ám ảnh về nỗi lo “kép”: nguy cơ phát sinh cháy tầng hầm do chập điện, rò rỉ xăng từ các phương tiện không đảm bảo an toàn. Và nếu cháy trên tầng cao thì lực lượng cứu hộ, cứu nạn khó có thể tiếp cận hiện trường, vì khả năng tác chiến của xe thang PCCC hiện mới vươn tối đa đến tầng 18.
Anh Quang Huy, ở chung cư Mỹ Phước (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Sau thảm họa cháy chung cư Carina, ban quản lý chung cư cũng siết chặt công tác an toàn phòng chống cháy, nổ. Tại các tòa chung cư đều có dán bảng thông báo, yêu cầu cư dân đặc biệt chú ý đến bình xăng xe, nếu có rò rỉ phải khắc phục ngay, không được mang xe xuống hầm xe, bởi bình xăng rò rỉ thì nguy cơ như bom nổ chậm. Đây là việc mà trước đây chưa từng được làm thường xuyên”.
Trả lời Thanh Niên, ông Phan Văn Định, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết trên địa bàn Q.Bình Thạnh có 98 cụm chung cư với hơn 120 tòa chung cư. “Sự cố cháy ở chung cư Carina khủng khiếp quá. Quận đã họp, thông qua kế hoạch, tổng kiểm tra tất cả các chung cư trên địa bàn. Chung cư nào không đảm bảo an toàn cháy, nổ thì yêu cầu khắc phục ngay”
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2, cảnh báo nếu công tác PCCC không đảm bảo an toàn theo quy định, sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường. “Quận đã giao cho Cảnh sát PCCC chủ trì kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm quy định về PCCC ở các nhà cao tầng sẽ bị xử lý, yêu cầu khắc phục. Q.2 đang đô thị hóa rất nhanh, nhiều nhà cao tầng mọc lên. Do đó, quận cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm quy định PCCC khi xây dựng nhà cao tầng”, ông Nguyễn Phước Hưng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.