TP.HCM thu thập dữ liệu, cấp số định danh cho hơn 10 triệu nhân khẩu

Đức Tiến
Đức Tiến
28/03/2018 19:14 GMT+7

TP.HCM sẽ đồng loạt triển khai thu thập và cấp số định danh cho hơn 10 triệu nhân khẩu trên địa bàn, bao gồm cả nhân khẩu thường trú, tạm trú và người địa phương đang sinh sống ở nước ngoài.

Ngày 28.3, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tập huấn công tác phục vụ triển khai thu thập thông tin dân cư tại TP.HCM.
Đây là dự án được Bộ Công an triển khai theo Quyết định 896 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các thông tin dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Dân số cư trú dịch chuyển phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có hơn 10 triệu nhân khẩu/hơn 1,5 triệu hộ, gồm hơn 6,2 triệu nhân khẩu thường trú và hơn 3,4 triệu nhân khẩu tạm trú. Số người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú, thường trú là hơn 26.000; gần 93.000 người nước ngoài đang sinh sống ở TP.HCM có khai báo tạm trú nhưng chưa được cấp thẻ.
Theo trung tướng Lê Đông Phong, vướng mắc lớn là tình trạng dịch chuyển tự do về dân số cư trú tại TP.HCM diễn biến phức tạp.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu tại hội nghị ẢNH: ĐỨC TIẾN
“Việc tra cứu thông tin liên quan đến dân cư về phương pháp, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý còn lạc hậu, chủ yếu là thủ công. Vì vậy việc triển khai thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Chính phủ giao cho Bộ Công an triển khai thực hiện là hết sức quan trọng, cần thiết. Nếu làm tốt, đến năm 2019 việc điều tra dân số của chúng ta sẽ rất thuận lợi, khi ấy sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực”, trung tướng Lê Đông Phong nói.
Theo dự án của Bộ Công an, việc thu thập dữ liệu cơ sở quốc gia chỉ áp dụng đối với các nhân khẩu thường trú.
Cần triển khai đồng bộ, không chỉ riêng đối với nhân khẩu thường trú
Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo Công an TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc xây dựng thu thập cơ sở dữ liệu cần phải triển khai đồng bộ, cả về nhân khẩu thường trú, tạm trú và người địa phương đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo ông Phong, nếu thực hiện theo phương án của Bộ Công an thì TP.HCM sẽ không có đủ thông tin và dữ liệu phục vụ cho nhu cầu quản lý địa bàn, cũng như sẽ không chủ động được về thời gian triển khai, khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin. Ông Phong cho rằng hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng kho dữ liệu chung của đề án xây dựng thành phố thông minh.
“Nếu chúng ta chỉ nhắm đến nhân khẩu thường trú thì khi triển khai số hóa dữ liệu về toàn bộ dân cư, lại phải thu thập lần 2. Cho nên lần này chúng ta sẽ triển khai đồng bộ, thu thập cơ sở dữ liệu cả nhân khẩu thường trú, tạm trú và người địa phương đang sống ở nước ngoài", ông Nguyễn Thành Phong nói.
"Về kinh phí thì không ngại, TP sẽ hỗ trợ. Kinh phí Bộ Công an rót xuống, thiếu bao nhiêu TP sẽ bù. Lần này chúng ta triển khai cùng lúc luôn”, ông Phong nói thêm.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP, giao cho Sở Ngoại vụ, Bộ Tư lệnh TP phối hợp cùng Công an TP tổ chức thu thập thông tin của công dân là người địa phương đang cư trú ở nước ngoài; thu thập thông tin cơ bản của các cán bộ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng…
“Thu thập cơ sở dữ liệu chính xác về dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, các cấp chính quyền trong năm 2018", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.