Trả 1.251 tỉ đồng, Đà Nẵng có lấy lại được sân Chi Lăng ?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/11/2018 08:18 GMT+7

8 năm trước, TP.Đà Nẵng đã nộp vào ngân sách 1.251 tỉ đồng từ việc thu tiền sử dụng đất Sân vận động Chi Lăng sau khi “bán” cho Phạm Công Danh. Bây giờ, địa phương đề nghị được trả lại số tiền này để thương lượng lấy về sân vận động.

[VIDEO] Cận cảnh SVĐ Chi Lăng hoang tàn, nhếch nhác sau vài năm không sử dụng
Ngày 28.11, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự (THADS) TP.Đà Nẵng cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những vướng mắc trong việc thi hành án (THA) vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm (theo ủy thác của Cục THADS TP.HCM), trong đó có nội dung xử lý với tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu phức hợp Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng.
Hàng loạt vướng mắc thi hành án
Cụ thể, cơ quan THADS nhận thấy 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng đều được cấp thời hạn sử dụng “lâu dài”, trong khi theo luật thì đây phải thuộc diện đất thương mại, được cấp đất có thời hạn. Có 4 lô đất thuộc giai đoạn 2 chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, gồm các lô số 11, 12, 13, 14. Hiện còn nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh chưa đồng ý với phương án thu hồi của TP và chưa bàn giao mặt bằng.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (Trưởng ban Chỉ đạo THADS), kết luận số 2852 ngày 2.11.2012 của Thanh tra Chính phủ nêu dự án khu phức hợp SVĐ được giảm 10% tiền sử dụng đất (hơn 139 tỉ đồng) là trái pháp luật nên thuộc trường hợp phải truy thu số tiền này vào ngân sách. Hiện TP chưa thu hồi khoản tiền này. Bên cạnh đó, khu đất SVĐ Chi Lăng chưa có phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng để xây dựng theo mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Do đó, trong trường hợp tổ chức bán đấu giá tài sản để THA, TP.Đà Nẵng cũng không cấp phép xây dựng cho những đối tượng mua lại các lô đất để đảm bảo đúng quy hoạch, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi mua lại tài sản đấu giá.
Ban Chỉ đạo THADS TP.Đà Nẵng cũng chỉ ra, quá trình kê biên tài sản tại SVĐ Chi Lăng theo lệnh kê biên và biên bản kê biên ngày 28.8.2014 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã không mô tả đúng hiện trạng khu đất, không mô tả cụ thể từng thửa đất theo giấy chứng nhận QSDĐ trên thực địa. Kê biên một phần diện tích chưa được giải phóng mặt bằng nhưng Cơ quan CSĐT không làm rõ có bao nhiêu hộ cá nhân, đơn vị chưa được đền bù, giải tỏa và vẫn còn ở trên đất SVĐ...
Quá trình “xẻ thịt” sân Chi Lăng
Năm 2010, Đà Nẵng có chủ trương thu hồi khu đất SVĐ Chi Lăng để thực hiện dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ. Do chỉ nhận được đề nghị đầu tư của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh nên TP lập thủ tục giao khu đất để thực hiện dự án. Tháng 11.2010, UBND TP chấp thuận cho công ty tách thửa cho các công ty thành viên. Đến 2013, 2014, các công ty đã thế chấp những lô đất này để vay vốn tại ngân hàng.
Thỏa thuận với ngân hàng giữ lại SVĐ
Ban Chỉ đạo THADS TP.Đà Nẵng cho rằng việc thi hành bản án về xử lý đối với tài sản thế chấp (các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng) là rất phức tạp, khó thi hành. Việc thi hành có thể kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn lực đất đai TP và ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của nhân dân TP. Ban Chỉ đạo THADS TP.Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho phép chính quyền TP được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua THA bằng cách thỏa thuận với các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. TP sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao QSDĐ (1.251 tỉ đồng) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. “Qua rà soát, TP đã nhận thấy được những vi phạm trong quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng... đối với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên, do đây là tài sản THA theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nên không thể thực hiện thu hồi lại khu đất này để khắc phục những sai phạm đã xảy ra trước đây”, công văn nêu. UBND TP cho hay, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân TP, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết vụ việc, cho phép Đà Nẵng giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ như phương án đã nêu.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, hiện nay, Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Xây dựng VN đều có 100% vốn của nhà nước. Trên cơ sở này, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị, cho phép TP.Đà Nẵng thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ THA của người sử dụng đất; đồng thời thu hồi các lô đất thuộc khu vực SVĐ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.