Trả tiền thuê đất theo... giá vàng

17/05/2011 02:42 GMT+7

Nhận khoán đất của nông trường trồng cây lâu năm nhưng phải trả thuế bằng vàng SJC. Lúc ký hợp đồng vàng 470 ngàn đồng/chỉ nay vàng gần 4 triệu đồng/chỉ khiến hàng chục hộ dân đang kêu khó.

Năm 2000 và 2005 hàng chục hộ dân ở một số huyện của tỉnh Tiền Giang nhận khoán đất của Nông trường 26/6 (đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy Tiền Giang) ở H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Theo hợp đồng của nông trường ký với các hộ dân nhận khoán đất để trồng cây lâu năm, mỗi người nhận khoán của nông trường từ vài ha đến hơn chục ha, thời gian nhận khoán là 20 năm, mức khoán được tính bằng tiền mặt nhưng phải trả theo giá vàng SJC tại thời điểm trả. Mặc dù ký hợp đồng nhận khoán 20 năm nhưng các hộ dân phải nộp đủ số tiền trong vòng 15 năm cho nông trường và phải nộp vào ngày 30.4 hằng năm. Mức khoán cụ thể 1 ha ít nhất 2 chỉ vàng và nhiều là 3 chỉ vàng SJC/năm.

Ngay sau khi nhận được thư của các hộ dân, chúng tôi tìm đến Nông trường 26/6 để tìm hiểu vụ việc. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc nông trường, xác nhận việc nông trường có cho các hộ dân thuê đất trồng cây lâu năm. Theo hợp đồng nhận khoán thì các hộ dân nhận đất nhưng nông trường đã trồng cây cao su (hoặc điều) để cho các hộ dân thu hoạch và phải nộp cho nông trường tiền nhận khoán được tính theo giá  vàng SJC tại thời điểm là đúng.  Cũng theo ông Dũng thì mỗi ha được khoán theo từng loại đất giá từ 2 đến 3 chỉ vàng SJC/ha. Hiện toàn bộ nông trường có 231 ha và  38 hợp đồng được các hộ dân nhận khoán trả nông trường bằng vàng SJC. “Việc nông trường ký hợp đồng với các hộ dân trả bằng vàng SJC là theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Tiền Giang. Tất cả các hợp đồng mà chúng tôi ký với các hộ dân đều có xác nhận của Văn phòng Tỉnh ủy” - ông Dũng cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang thì khẳng định: “Những năm 90 để phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Tiền Giang được tỉnh Sông Bé cũ cấp cho 231 ha đất để trồng cây cao su và điều ở H.Bù Gia Mập. Sau đó chúng tôi phát động người dân trong tỉnh lên làm kinh tế và có khoán đất cho các hộ dân nhưng lấy vàng SJC làm giá sàn. Việc làm này đều được thống nhất và nhất trí của Tỉnh ủy và các hộ dân. Số tiền mà các hộ dân nộp cho nông trường sẽ được chuyển vào ngân sách của Tỉnh ủy”.

Việc các hộ dân nhận khoán đất của nông trường thuộc một đơn vị làm kinh tế của Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang trả bằng vàng SJC là theo sự thỏa thuận giữa hai bên, có ký kết hợp đồng với thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, do hiện nay giá vàng quá cao, thiết nghĩ nông trường, cụ thể là Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang cũng nên xem lại chủ trương trả tiền thuê đất theo giá vàng để người nông dân nhẹ gánh.

Anh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.