Trạm bơm cấp nước cho 70% dân số TP.Cao Lãnh bị sạt lở

25/08/2018 08:33 GMT+7

Do ảnh hưởng dòng chảy xiết của nước lũ từ thượng nguồn đổ về, khoảng 18 giờ 30 ngày 15.8, trụ bê tông cao 18 m, nặng hàng chục tấn để giữ phao và máy bơm của trạm bơm bị sạt lở, máy bơm chìm xuống sông.

Sáng 24.8, các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp khảo sát để bàn phương án xử lý sạt lở tại trạm bơm cấp nước của Công ty nước Đông Bình, thuộc Công ty CP cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp (gọi tắt là Công ty cấp nước Đồng Tháp).
Trạm bơm có công suất 20.000 m3 nước sạch/ngày đêm, nằm ở bờ sông Tiền, thuộc ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, có 2 hệ thống bơm nước sông rồi xử lý nước sạch cung cấp cho khoảng 70% dân số của TP.Cao Lãnh.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty nước Đông Bình, cho biết do ảnh hưởng dòng chảy xiết của nước lũ từ thượng nguồn đổ về, khoảng 18 giờ 30 ngày 15.8, trụ bê tông cao 18 m, nặng hàng chục tấn để giữ phao và máy bơm của trạm bơm bị sạt lở, máy bơm chìm xuống sông. Công ty phải sử dụng máy bơm dự phòng để đảm bảo lượng nước cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, đến 22 giờ ngày 22.8, một trong 2 trụ chống va của trạm bơm ở thượng nguồn tiếp tục bị sạt lở và trôi mất. Kết quả quan trắc, khu vực cầu phao bị xói lở so với ban đầu đến 4 m nên sáng 23.8 Công ty cấp nước Đồng Tháp phải tháo dỡ phần nhịp cầu bê tông dài 8 m phục vụ cho việc lấy nước nhằm xử lý an toàn trạm bơm.
Theo ông Nguyễn Thượng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cấp nước Đồng Tháp, tuy TP.Cao Lãnh có gần 20 điểm lấy nước cung cấp cho người dân, nhưng nếu trạm bơm của Công ty cấp nước Đông Bình bị sạt lở ngưng hoạt động thì các địa bàn vùng sâu, vùng xa của TP.Cao Lãnh sẽ bị thiếu nước.
Hiện Công ty cấp nước Đồng Tháp thực hiện 2 phương án để xử lý sạt lở là di dời máy bơm dự phòng qua trạm bơm kề bên. Nếu tình hình sạt lở phức tạp, công ty sẽ thuê sà lan lắp đặt máy bơm lấy nước. Theo phương án xử lý sạt lở khẩn cấp sẽ được các sở ngành đề xuất với UBND tỉnh là trước mắt cho đổ cát xuống lòng sông tại khu vực sạt lở để giảm thiểu sạt lở khu vực trạm bơm. Về lâu dài sẽ tiến hành xây kè bảo vệ khu vực này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.