Trang trại nuôi cũng buôn bán hổ trái phép

16/03/2010 01:28 GMT+7

Hôm qua, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra nạn buôn bán hổ tại VN.

Mua hổ, quá dễ!

Theo ENV, từ năm 2005 tới nay, ở VN đã phát hiện 104 vụ vi phạm liên quan đến hổ, trong đó có 16 vụ bắt giữ, tịch thu hổ đông lạnh, bộ phận cơ thể hoặc xương hổ và một vụ buôn bán hổ sống. Dẫn lại lời của một đối tượng chuyên nấu cao hổ, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Điều  phối viên Chương trình bảo vệ động vật hoang dã của ENV - cho biết, hiện nay mua hổ đông lạnh ở VN rất dễ. Chỉ cần một vài cuộc điện thoại và chuẩn bị khoảng 350 triệu đồng tiền mặt sẽ mua được một con hổ trên 100 kg.

- Ngày 16.10.2009, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội đã bắt giữ một xe taxi chở 2 con hổ đông lạnh, tổng trọng lượng khoảng 130 kg. Chủ hàng Nguyễn Thành Trung (ngụ tại Tây Ninh) khai nhận mua 2 con hổ này ở miền Nam.

- Tháng 1.2008, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội bắt quả tang Nguyễn Thị Mùi và Nguyễn Quốc Trượng (đều sinh sống tại Hà Đông) đang mua bán 2 con hổ còn sống, bị bắn thuốc mê tại H.Thanh Trì. Kiểm tra nhà ở của Nguyễn Quốc Trượng, cơ quan công an phát hiện thêm 4 con hổ đông lạnh, mỗi con nặng hơn 100 kg.

- Ngày 4.9.2007, PC15 Công an Hà Nội phối hợp với một số lực lượng khác đã bắt quả tang vụ nấu cao hổ quy mô lớn tại số nhà 103 B5 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân) thu giữ 2 con hổ ướp đá lạnh và 1 bộ da hổ đã nhồi bông...

Theo bà Vân Anh, trong số 29 con hổ bị thu giữ trong 16 vụ buôn bán, vận chuyển bị bắt giữ, không có con nào được xác định là có nguồn gốc hoang dã ở VN. Số hổ đó hoặc từ các trang trại gây nuôi hổ hoặc từ nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia.

 Hiện trên toàn quốc có 7 cơ sở tư nhân đăng ký nuôi nhốt tổng cộng 84 cá thể hổ. Theo bà Vân Anh, một vài chủ nuôi hổ nói rằng, việc nuôi hổ của họ là nhằm mục đích bảo vệ loài hổ của VN khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, “ít nhất một chủ trang trại nuôi hổ có liên quan trực tiếp đến việc cung cấp hổ cho đường dây buôn bán hổ trái phép.  Người này có quan hệ trực tiếp với các đối tượng bị các cơ quan chức năng bắt giữ trong 2 vụ buôn bán, vận chuyển hổ gần đây”, bà Vân Anh khẳng định.

Theo báo cáo của ENV, qua điều tra 6 cơ sở nuôi nhốt hổ đã phát hiện 3 cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc xử lý cá thể hổ chết không được thực thi đầy đủ theo quy định đã tạo điều kiện cho những chủ trang trại bán những con hổ chết thay vì tiêu hủy. Tại một trang trại có lưu hồ sơ về 24 con hổ chết từ năm 2006 nhưng chỉ có 10 con trong số đó có giấy tờ chứng minh đã được tiêu hủy. Ở một cơ sở khác, cán bộ kiểm lâm đã phát hiện 2 con hổ con trong... tủ lạnh.

Sẽ tuyệt chủng trong 10 năm nữa...

Báo cáo Quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 đưa ra một nhận định báo động: “Quần thể hổ ở VN đang suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm nữa”. Nếu không nhanh tay với các biện pháp bảo tồn có hiệu quả, không lâu nữa hổ ở VN sẽ chỉ còn tồn tại trong vườn thú, trên tranh vẽ, sách báo và trong những câu chuyện kể...

Theo báo cáo kể trên, hiện chỉ còn không quá 50 cá thể hổ sinh sống trong các cánh rừng từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, người chấp bút viết báo cáo này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) thừa nhận, số liệu trên chỉ là ước đoán vì hiện chưa có cuộc điều tra, khảo sát tổng thể về hổ ngoài tự nhiên tại VN.

Là người có tới trên 40 năm lặn lội khắp các cánh rừng già trên mọi miền đất nước để nghiên cứu về hổ, ông Phạm Mộng Giao - nguyên cán bộ Cục Kiểm lâm nắm khá rõ về quá trình suy giảm đáng báo động của số lượng hổ ngoài tự nhiên. Theo ông Giao, trước những năm 1975 - 1980, hổ vẫn còn khá nhiều trong những cánh rừng nguyên sinh và không khó lắm để tìm thấy dấu vết của chúng. Tuy nhiên, gần đây, khi ông Giao trở lại những cánh rừng năm xưa tìm kiếm cả tháng trời cũng không hề thấy dấu vết của hổ.

Trải qua một loạt các chuyến đi rừng, ông Nguyễn Mạnh Hà kết luận: hiện nay còn rất ít hổ ở ngoài tự nhiên. “Mặc dù được trang bị phương tiện hiện đại nhưng phải rất khó khăn, chúng tôi mới tìm thấy dấu vết của hổ. Đó chỉ là một vài dấu chân đã được phát hiện ở Khe Ve (Quảng Bình), Tây Giang (Quảng Nam), Đắk Rông (Quảng Trị), Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) và Bù Gia Mập (Bình Phước)...”.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.