Trầy trật thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát

03/10/2017 07:02 GMT+7

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng vào tháng 7.2016, ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ, cho biết trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất.

Số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Trong báo cáo trả lời cử tri tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2016 không đạt được chỉ tiêu 60 % như nghị quyết của Quốc hội năm 2015 đề ra.
Báo cáo tại cuộc họp báo đầu năm 2017, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải thụ lý là 14.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 11.080 tỉ đồng tòa buộc sung công quỹ nhà nước vì đây là số tiền thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính; tiền bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức, cá nhân hơn 2.800 tỉ đồng; án phí phải nộp gần 3,5 tỉ đồng. Nhưng chỉ mới thi hành xong phần án phí, còn tiền sung công quỹ nhà nước thi hành được khoảng 219 tỉ đồng, tiền bồi thường cho ngân hàng, tổ chức, cá nhân thi hành được hơn 39 tỉ đồng.

tin liên quan

Phải thu hồi hết tài sản của quan tham
Việc thu hồi tài sản của quan tham 10 năm qua đã gợi lên nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải sớm có những chính sách, biện pháp để điều chỉnh.
Trong vụ án tại Công ty cho thuê tài chính 2, tổng số tiền phải thu hồi gần 600 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ mới thi hành được gần 30 tỉ đồng. Trong đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB), số tiền phải thi hành án là gần 12.000 tỉ đồng nhưng mới thu hồi được hơn 5.000 tỉ đồng (đạt 40%).
Tại cuộc họp báo đầu tháng 4.2017, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Lê Quang Tiến cho hay cơ quan này rất trầy trật trong quá trình thi hành án, thu hồi tài sản của các đương sự trong vụ án tham ô tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines). Bản án của TAND tối cao năm 2014 đã buộc Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, phải bồi thường 110 tỉ đồng. Đến thời điểm tháng 4, gia đình Dương Chí Dũng đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả gần 7,5 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã xử lý một số tài sản liên quan, song số tiền thi hành mới được khoảng 21 tỉ đồng, 88,5 tỉ đồng còn lại không biết thi hành như thế nào vì Dương Chí Dũng không còn tài sản gì.
Giao dịch bất động sản trong 90 ngày trước khi có bản án sẽ bị hủy
Ở Mỹ, sau khi tòa án có quyết định, cơ quan cảnh sát tư pháp (giống cơ quan thi hành án tại VN) đến nơi có tài sản và thực hiện việc kê biên, phát mãi. Mỹ quy định đối với tài sản là bất động sản mà bán trong vòng 90 ngày trước khi tòa có ra bản án thì giao dịch này bị hủy, người bán nhà trả lại tiền cho người mua để thực hiện thanh lý tài sản.
Một điểm khá khác biệt giữa Mỹ và VN, đó là khi cơ quan thực hiện phát mãi tài sản cá nhân mà số tiền thu hồi không đủ thực hiện bồi thường, lúc này tòa án sẽ mở thủ tục phá sản cá nhân.
Quyết định cá nhân phá sản được công bố công khai. Sau này cơ quan cảnh sát tư pháp không phải theo đuổi vụ việc. Thời gian xử lý vụ việc lâu hay nhanh phụ thuộc vào việc điều tra tài sản của người phạm tội, nhưng thường không quá 1 năm.
Còn VN hiện nay chưa cho cá nhân thực hiện phá sản, trong trường hợp chưa phát mãi tài sản để thu hồi nợ thì cơ quan này vẫn phải theo đuổi vụ việc. Một vụ án từ khi khởi tố đến khi thi hành án kéo dài 5 năm là bình thường. Việc thu hồi tài sản cũng kéo dài vì chưa cho cá nhân phá sản.
TS Nguyễn Trí Hiếu, người sáng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ
Thanh Xuân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.