Trồng cổ thụ tang vật trong trụ sở UBND tỉnh

21/01/2011 10:34 GMT+7

Cách đây vài hôm, người dân phố núi Pleiku (Gia Lai) chứng kiến cảnh xe cộ rầm rộ kéo hai cây đa ước hàng trăm năm tuổi, vốn là tang vật của một vụ việc đang điều tra, chở về trồng trong khuôn viên của UBND tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, trong khuôn viên UBND tỉnh, phía giáp đường Trần Phú -Hoàng Hoa Thám (TP Pleiku), còn có một số cây cảnh khá lớn cũng vừa mới được “rinh” về chăm sóc.

Hai cổ thụ trên vốn được khai thác trên đất rẫy của hai ông Chưn và Trịnh Ngọc Bản, ở xã Đăk Sơ mei, H.Đăk Đoa (Gia Lai). Cây được bán cho ông Trần Xuân Lành ở H.Đăk Đoa, nhưng khi vận chuyển thì bị lực lượng chức năng tạm giữ do chưa có giấy tờ hợp pháp. Vụ việc đang được ngành chức năng thụ lý thì không hiểu sao, cây lại được đưa về trồng trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh.

Liên quan đến việc khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loại cây có hình dáng đẹp, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm “cây cảnh”, “cây bóng mát”, Chính phủ đã có chỉ đạo nghiêm cấm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. UBND tỉnh Gia Lai cũng có công văn gửi các sở, ngành, huyện thị của Gia Lai để triển khai. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - cho biết: “Vụ án khai thác, vận chuyển, mua bán hai cây cổ thụ đang được điều tra, làm rõ. Nhưng nếu không trồng lại ngay, nguy cơ cây chết là rất cao. Do đó, cần trồng lại cây ở một nơi thích hợp. Chúng tôi cho rằng trồng hai cây này trong khuôn viên của UBND tỉnh cũng không có gì sai”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao cây tang vật tịch thu không đem tiến hành đấu giá nộp tiền vào ngân sách, hoặc trồng ở những công trình công cộng như công viên, khuôn viên nhà văn hóa, mà lại đem về trồng ở khuôn viên UBND tỉnh, thì ông Nhĩ giải thích: “Tỉnh chưa có quy định bán đấu giá đối với các loại cây này vì sợ có tiền lệ không hay. Việc xác định giá trị của cây cũng khó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.