Trực phòng, chống dịch cúm heo 24/24

30/04/2009 00:29 GMT+7

* Ban hành phác đồ điều trị cúm heo * Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin Hôm qua 29.4, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các bộ, ngành trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch cúm heo A H1N1 lây lan vào nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát người và hàng hóa đến từ các nước đã có dịch, nhằm phát hiện dịch ngay tại các cửa khẩu (bao gồm cả việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khai báo bắt buộc về y tế); phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, kịp thời cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để; chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi phát hiện trường hợp lây nhiễm. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân về sự nguy hiểm của dịch để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. 

Thủ tướng cũng yêu cầu, lãnh đạo các địa phương phải trực phòng, chống dịch 24/24 giờ, nhất là trong những ngày nghỉ lễ sắp tới để kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu.

Ban hành phác đồ điều trị cúm heo 

Sáng 29.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn nghiệm thu "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cúm heo A H1N1", gồm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực y tế dự phòng, bệnh truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, chống độc do GS.TS Trần Quỵ là Chủ tịch Hội đồng. Ngay sau đó, vào buổi chiều hội đồng có buổi họp khẩn cấp, bàn, chỉnh sửa và nhất trí thông qua hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cúm heo.

Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia Nguyễn Văn Kính cho biết mặc dù trong nước chưa có ca bệnh, nhưng theo kinh nghiệm điều trị ca bệnh nhiễm cúm A có độc lực cao (như cúm gia cầm H5N1), nguy hiểm lớn nhất mà vi-rút cúm này gây nên là viêm phổi nặng gây suy hô hấp; suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, phác đồ đưa ra việc chẩn đoán ca bệnh dựa trên các yếu tố dịch tễ: người đi đến, sống trong vùng có ca bệnh được xác nhận nhiễm cúm heo A H1N1; tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc các ca nghi ngờ nhiễm cúm heo A H1N1. Bệnh có thể có biểu hiện tương tự như cúm mùa thông thường: viêm long đường hô hấp, đau họng, đau cơ, ho khan hoặc ho có đờm nhưng cũng có các triệu chứng nôn, tiêu chảy. 

Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết Sở lập và duy trì 24/24 đường dây nóng tiếp nhận thông tin khẩn cấp những trường hợp nghi mắc bệnh cúm nguy hiểm, qua số điện thoại 04.37333071.

Liên quan đến kiểm dịch y tế quốc tế và các biện pháp ứng phó của thành phố, ông Tuấn cho biết các bệnh viện (BV) có khoa Truyền nhiễm của thành phố như: Đống Đa, Bắc Thăng Long, Đức Giang đã bố trí 100 giường bệnh để tiếp nhận, cách ly điều trị khi có ca bệnh; 4-5 xe cơ động của 3 BV và của Trung tâm cấp cứu 115 luôn sẵn sàng vận chuyển, tiếp nhận  bệnh nhân. Bên cạnh đó, mọi khách sau khi xuống máy bay tại sân bay Nội Bài đều phải đo thân nhiệt, thực hiện khai báo về tình trạng sức khỏe, để kịp thời xử trí. Ngoài các máy đo thân nhiệt của Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã vận hành những ngày qua, chiều 29.4, thêm một máy đo thân nhiệt mới được lắp đặt, vận hành và 70 máy đo nhiệt điện tử bấm tai được bổ sung.

Trong một diễn biến khác, sáng 29.4 Sở Y tế Hà Nội tổ chức buổi tập huấn phòng, chống dịch cúm heo cho cán bộ thuộc các cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang có 30 tấn hóa chất khử trùng Clomin B, 300 cơ số thuốc Tamiflu được dự trữ. Sở Y tế cũng chuẩn bị các xe y tế đặc chủng, tăng cường bác sĩ dự phòng… sẵn sàng chống dịch. 

Tại TP.HCM, trong buổi làm việc với lãnh đạo tất cả các BV công, tư trên địa bàn chiều qua, Sở Y tế yêu cầu mỗi quận, huyện tái thành lập một điểm cách ly kiểm dịch cộng đồng; triển khai khẩn cấp các phòng cách ly tại các BV tuyến thành phố và quận huyện, cả BV công và tư; riêng BV Bệnh nhiệt đới, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2, mỗi BV phải thành lập ít nhất 2 đội cơ động hỗ trợ điều trị cấp thành phố, có nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới và cả các tỉnh lân cận khi cần thiết; Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thành lập ít nhất 2 đội cơ động chống dịch cấp thành phố để hướng dẫn phòng chống dịch tại cộng đồng, các trường học, cơ quan khi có dịch xảy ra…

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế, cho biết Sở cũng thiết lập đường dây nóng tại Sở (qua số điện thoại 08.39309981; 0908198538) và tại các BV để báo cáo khẩn các ca bệnh khi phát hiện; thành lập 4 tiểu ban chuyên môn (tiểu ban giám sát, phòng chống dịch; tiểu ban điều trị; tiểu ban truyền thông và tiểu ban hậu cần)…

Tại Đà Nẵng, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, do Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Vũ Sinh Nam dẫn đầu, hôm qua 29.4, đã đến kiểm tra và phổ biến công tác ứng phó với cúm heo tại địa phương. Hiện Đà Nẵng trang bị 1 máy đo thân nhiệt, các tổ đội kiểm dịch được tăng cường làm nhiệm vụ tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng Tiên Sa, nhằm có thể phát hiện ngay những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. 

An Nguyên - Nam Sơn -  Thúy Anh - Minh Ngọc -  Thanh Tùng -  Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.