Trung tâm bảo trợ xã hội ngoài to, trong... rỗng

Có vốn đầu tư xây dựng lên đến gần 93 tỉ đồng nhưng một trung tâm bảo trợ xã hội ở Quảng Trị bên trong lại quá sơ sài khi chỉ trang bị 92 chiếc giường và chẳng đón được học viên nào.

Chỉ “khủng” phần vỏ
Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động - xã hội tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án từ năm 2010, đến ngày 20.10.2016 đổi tên thành Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp 1 (gọi tắt trung tâm). Dự án do Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 13,6 ha tại xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ) với tổng mức đầu tư 93 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương cấp 73 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Trung tâm có mục tiêu góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng người nghiện ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác; đồng thời giáo dục, chữa bệnh cho người nghiện ma túy, gái mại dâm và đối tượng tâm thần kinh, tạo điều kiện cho các đối tượng hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù vậy, hiện tại trung tâm chỉ là dãy nhà rộng lớn rỗng ruột. Có đến 7 phân khu (khu làm việc của cán bộ, văn hóa và điều trị, quản lý cai nghiện và mại dâm, tâm thần kinh, học nghề và sản xuất, chăn nuôi - tăng gia trồng trọt, kỹ thuật) cùng bộ máy nhân sự đầy đủ với ban giám đốc, 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ (16 cán bộ, viên chức) nhưng cơ sở vật chất phục vụ việc điều trị, giáo dục hầu như chưa có gì, ngoài 92 chiếc giường inox.
Khó đủ kiểu !
Vì vậy, thật dễ hiểu khi công trình hoàn thiện từ năm 2014, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8.2017 nhưng đến nay chưa tiếp nhận được đối tượng nào.
Trả lời PV Thanh Niên hôm 2.1, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, cho hay mới tiếp nhận được 15 hồ sơ cai nghiện tự nguyện, nhưng dự kiến phải sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất trung tâm mới đón học viên. Ông Anh cho hay hiện Sở đã xây dựng xong quy chế phối hợp về việc đưa người nghiện vào trung tâm, thiết lập bộ máy biên chế… nhưng trung tâm vẫn đang gặp khó. Cụ thể, về vốn, ông Anh cho biết khoản ngân sách trung ương (73 tỉ đồng) chủ yếu dành để xây dựng cơ bản, còn vốn đối ứng của địa phương (khoảng 20 tỉ đồng) là đất đai và đầu tư trang thiết bị. “Mặc dù tỉnh đã hết sức cố gắng nhưng vì là địa phương khó khăn nên vừa rồi chỉ đối ứng được 6 tỉ đồng làm đường dẫn vào và 500 triệu đồng mua trang thiết bị. Số vốn này là chưa đủ, đặc biệt đối với mục trang thiết bị. Hiện trung tâm vẫn có thể nhận người vào cai nghiện nhưng với số lượng rất ít chứ không thể đạt quy mô hơn 150 người như mục tiêu của dự án”, ông Anh nói.
Một nguyên nhân khác khiến trung tâm vắng học viên là chính sách thay đổi. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc trung tâm, lý giải theo Nghị định 221/2013NĐ-CP ngày 30.12.2013 của Chính phủ, muốn đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo dạng bắt buộc thì cần 37 - 40 ngày để làm đầy đủ 17 loại giấy tờ từ cấp xã, huyện. Vì vậy, khi hoàn thành hồ sơ theo quy định thì đối tượng cũng đã kịp… rời khỏi địa phương. “Trước đây, công an bắt đối tượng sử dụng ma túy là đưa lên trung tâm cai nghiện luôn. Nhưng nay chính sách đã khác. Muốn đưa người đi cai nghiện bắt buộc thì người đó phải bị xử phạt hành chính và từng cai nghiện tại cộng đồng 3 lần vẫn tái nghiện. Đi theo quy trình mới thì muốn đưa người nghiện vào trung tâm là không dễ và mất thời gian. Bây giờ chỉ có thể vận động cai nghiện tự nguyện”, ông Tuấn Anh lý giải thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.