Trước mùa bão lũ: Bao giờ mới có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp?

08/06/2005 21:55 GMT+7

Hàng trăm vụ tai nạn đường thủy xảy ra hằng năm, hàng ngàn người và phương tiện gặp nạn do lụt bão, chìm tàu..., thế nhưng việc cứu hộ cứu nạn trên biển vẫn chủ yếu do quân đội - một lực lượng không chuyên - đảm trách. Tại hội nghị về công tác cứu hộ toàn quốc trong mùa mưa bão sắp đến tổ chức ngày 8/6 ở TP.HCM, nhiều đại biểu nhận định cần phải có một lực lượng cứu hộ chuyên trách với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Tuy nhiên đó vẫn là chuyện... lâu dài. Trong mùa mưa bão năm nay, quân đội vẫn tiếp tục đảm trách công tác này với không ít khó khăn.

Dù công tác cảnh báo đã được cơ quan chức năng tăng cường tối đa nhưng số vụ tai nạn đường thủy vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ngày 31/5/2005, tàu hút bùn Jasmine 02 quốc tịch Nhật Bản chở bùn nạo vét từ sông Lạch Huyện - Hải Phòng ra biển đổ, khi quay về thì đâm chìm một tàu cá ngư dân làm 1 người chết, 4 người mất tích. Ngày 24/2/2005, tàu vận tải Đức Phát 36 thuộc Công ty TNHH Đức Phát (Hải Phòng) chở xi măng từ Cửa Lò đi Cam Ranh đến vùng biển Hà Tĩnh thì đâm vào tàu đánh cá của ngư dân Quảng Trị số hiệu 3294 TS. Trên tàu có 10 người thì 7 người được cứu, 3 người đã chết và mất tích khi chiếc tàu bị chìm... Theo thống kê của Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), nếu trong năm 2004 có tổng cộng 337 vụ tai nạn do sự cố, thiên tai làm 397 người chết thì chỉ riêng trong quý I năm 2005 đã xảy ra 191 vụ, trong đó tai nạn đường biển là 140 vụ, làm chết và mất tích 136 người, bị thương 12 người...

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trước mắt Ủy ban sẽ tập trung kiến nghị một số dự án như: mua 4 máy bay trực thăng lưỡng dụng tìm kiếm cứu nạn, 3 cầu phao để đề phòng lũ lụt chia cắt giao thông, xây dựng 2 tiểu đoàn công binh đặc nhiệm làm nhiệm vụ khắc phục sự cố sập đổ công trình; dự án Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đường biển, đường không; dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn tự phục hồi cân bằng...

Tại hội nghị, đại diện Bộ Thủy sản cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn tàu thuyền phổ biến hiện nay là do các tàu đánh cá chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, nhiều tàu đánh bắt cách xa bờ từ 300 - 400 hải lý, vượt quá khả năng an toàn cho phép của đăng kiểm. Vì vậy khi bị sự cố, rất khó khăn để điều tàu ra cứu hộ cứu nạn. Nhưng trên hết, lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ lực hiện nay là quân đội chỉ là lực lượng kiêm nhiệm nên vẫn còn nhiều hạn chế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết: "Ở các nước khác, việc cứu hộ cứu nạn trên biển rất được coi trọng và có cả một lực lượng chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại. Vì nước ta còn nghèo nên công tác cứu hộ được giao cho quân đội với mục đích tận dụng các trang thiết bị của họ. Nhưng về lâu dài thì cần phải thay đổi và tiến tới chuyên nghiệp hóa với lực lượng và phương tiện đặc dụng. 

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.