59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật
Sáng 23.11, giới thiệu về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành T.Ư tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 8, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, cho rằng việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, đây cũng là mong muốn chính đáng của người dân.
Theo ông Chính, trong quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng, những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương. Quá trình thực hiện bước đầu cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực…
Tuy nhiên, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở. Nhiều cán bộ đảng viên năng lực, phẩm chất chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn.
Đặc biệt, có một bộ phận cán bộ đảng viên cấp chiến lược thiếu học tập và tu dưỡng, tham nhũng, lãng phí, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo ông Chính, trong 2 năm trở lại đây, ủy ban kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng ngàn cán bộ đảng viên vi phạm, trong đó có cả cán bộ cả đương chức và nghỉ hưu. Đặc biệt, đã có 59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên T.Ư và Đảng cũng đã kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị.
Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là phù hợp
Thông báo một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, ông Phạm Minh Chính cho biết, trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau khi xem xét các cơ quan có chức năng, Bộ chính trị đã tổ chức kiện toàn chức danh Chủ tịch nước. Trước khi kiện toàn, theo quy định của pháp luật, đã phân công Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước.
Căn cứ kết luận của Bộ chính trị, quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Hiến pháp, các quy định khác của pháp luật và của Đảng, trên cơ sở rà soát nguồn cán bộ cấp cao, dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, các cơ quan chức năng thực hiện việc này hết sức thận trọng và bài bản, làm đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình đó, Bộ chính trị đã chỉ đạo việc xem xét kiện toàn chức danh Chủ tịch nước hết sức chặt chẽ, đúng quy định.
Cụ thể, sau khi tham khảo ý kiến các thành viên Bộ chính trị, những người có trách nhiệm thì thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận chức danh này trong thời điểm hiện tại.
Sau đó tiến hành lấy ý kiến T.Ư bằng phiếu kín, có 194/195 ủy viên T.Ư đồng ý giới thiệu (99,5%) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cơ sở phiếu giới thiệu của T.Ư, Bộ Chính trị thảo luận và biểu quyết thông qua 100% giới thiệu, trừ Tổng bí thư bị ốm không có mặt.
Việc phân công, giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước báo cáo với Ban Chấp hành T.Ư, tại hội nghị lần thứ tám, 100% đại biểu có mặt tán thành.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 14 đã tiến hành đúng thủ tục, Tổng bí thư cũng đã được bầu làm Chủ tịch nước theo đúng Hiến pháp, pháp luật với 476/477 phiếu.
Cũng theo ông Chính, việc bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước đã tiến hành thủ tục, trình tự, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khách quan, dân chủ, hết sức chặt chẽ. Dư luận trong nước và quốc tế đều đánh giá việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là phù hợp.
Bình luận (0)